
Theo các chuyên gia y tế, đột quỵ ở người trẻ thuộc nhóm đối tượng dưới 45 tuổi, bị xuất huyết não hoặc tắc nghẽn mạch máu não. Nếu trước đây các trường hợp đột quỵ thường chỉ xảy ra ở người trung niên và người cao tuổi thì nay, đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa. Tại Việt Nam, tỷ lệ người trẻ và người trung niên bị đột quỵ chiếm đến ⅓ trong tổng số các trường hợp đột quỵ. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi cũng đang tăng ở mức 2% mỗi năm, trong đó số người bệnh là nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.
Dấu hiệu đột quỵ ở người trẻ thường là méo miệng, lệch miệng, thay đổi giọng nói, nói ngọng hoặc dính chữ, khó nói. Người bệnh bị liệt một bên mặt, khuôn mặt mất cân đối giữa hai bên; Khó cử động tay chân, yếu liệt một bên cơ thể; Mất thị lực, mờ mắt, hoa mắt, nhìn không rõ…

Các biến chứng thường gặp ở người trẻ bị đột quỵ là co cứng chi, liệt tay, chân hoặc có thể liệt nửa người, liệt cả hai tay và hai chân; Suy giảm khả năng vận động, không thể đi lại như bình thường; Rối loạn ngôn ngữ vĩnh viễn; Gặp khó khăn khi nuốt, khó nhai, thức ăn bị trào ngược lên khi nuốt hoặc mắc nghẹn trong cổ họng; oxy và máu khó lên não; Viêm phổi gây khó thở, ho có đờm, ớn lạnh, sốt; Nhiễm trùng đường tiết niệu, tiểu ra máu, đau rát khi đi tiểu; Động kinh, co giật.
Biến chứng đột quỵ ở người trẻ: Biến chứng đột quỵ ở người trẻ nói riêng cũng như di chứng đột quỵ nói chung vô cùng nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân khiến người trẻ bị đột quỵ?
ThS. BS Nguyễn Thị Cúc - chuyên khoa 1 Khoa đột quỵ não - viện Thần kinh - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, tình trạng đột quỵ ở người trẻ xảy ra nhiều và đang trở nên báo động. Mỗi tháng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận điều trị nội trú khoảng 200-300 bệnh nhân đột quỵ/tháng. Nếu khám cấp cứu thì con số khoảng gấp 3 lần như vậy. Độ tuổi phổ biến nhất là trung niên, nhưng trong nhiều năm gần đây, số người trẻ tuổi bị đột quỵ có xu hướng tăng lên và chiếm khoảng 20% tổng số bệnh nhân nhập viện.
Nguyên nhân khiến tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ tăng là do lối sống ăn uống thiếu khoa học, lười vận động, áp lực công việc.

Cùng với đó là do bệnh lý di truyền hoặc có những tổn thương dị dạng mạch máu não. Đây là những dị dạng xuất phát từ khi bệnh nhân còn nhỏ nhưng trong cuộc sống hàng ngày không có biểu hiện lâm sàng. Thứ 2 là do tình trạng tăng huyết áp không kiểm soát. Nhiều người trẻ có lối sống sinh hoạt không lành mạnh, khoa học khiến tình trạng bệnh lý chuyển hóa sớm, cùng với đó là tình trạng tăng mỡ máu, tăng huyết áp… xuất hiện nhiều hơn.
“Dấu hiệu nhận biết của đột quỵ não, trong giai đoạn cấp sẽ có các biểu hiện bị tổn thương thần kinh cư trú như yếu chân, tay, nói nghọng, có người có triệu chứng chóng mặt đột ngột, nặng hơn là rối loạn ý thức. 71% những người sau đột quỵ sẽ mất sức lao động”, bác sĩ Cúc cho hay.
Điều trị đột quỵ như thế nào?
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Cúc, điều trị đột quỵ ở người trẻ và đột quỵ nói chung phụ thuộc nhiều vào thời gian bệnh nhân được đưa tới bệnh viện. Nếu cấp cứu kịp thời trong khung giờ vàng (xảy ra trong vòng 4-5 giờ) thì tiên lượng sẽ tốt hơn những trường hợp đến quá muộn; Khi tổn thương não đã hình thành, sức khỏe khó có cơ hội phục hồi tốt. Với những trường hợp tắc mạch máu não, nếu đến sớm và được can thiệp sớm thì cơ hội phục hồi sẽ lớn hơn.
Để phòng ngừa đột quỵ ở người trẻ, bác sĩ Cúc khuyến cáo, người trẻ cần thay đổi lối sống lành mạnh để giảm các yếu tố nguy cơ và có thể phòng ngừa đột quỵ. Nếu có bệnh lý tim mạch thì cần đi khám định kỳ, cần sử dụng thuốc dự phòng đột quỵ và kiểm soát huyết áp chặt chẽ.
“Quan trọng nhất là phải tích cực tập thể dục, ngủ đúng giờ, giấc, chế độ ăn lành mạnh. Hạn chế ăn nhiều muối, ăn đồ ăn khiến cơ thể dư thừa chất béo. Tăng cường vận động về thể chất và giải tỏa tinh thần. Hạn chế những stress, căng thẳng trong cuộc sống; Kiểm soát cân nặng, tránh tình trạng thừa cân béo phì; Tránh xa các chất kích thích như thuốc lá, thuốc lào, bia, rượu. Trường hợp tăng huyết áp, rối loạn đường máu thì phải kiểm soát một cách chặt chẽ theo mục tiêu của bệnh lý yêu cầu. Nếu có điều kiện phải đi tầm soát về dị dạng mạch máu não. Để tầm soát dị dạng mạch máu não, hiện nay có biện pháp chụp mạch máu não khá hiện đại như cộng hưởng từ, cắt lớp vi tính nhằm phát hiện sớm những dị dạng trước khi có biến chứng. Nếu phát hiện sớm thì sẽ có biện pháp điều trị dự phòng trước khi xảy ra biến cố vỡ mạch và gây đột quỵ”, bác sĩ Nguyễn Thị Cúc khuyến cáo.