
Chiến dịch Sindoor - Đòn đáp trả của Ấn Độ
Rạng sáng 7/5, Ấn Độ tiến hành loạt không kích tại 9 địa điểm nằm trong lãnh thổ Pakistan và khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát.
New Delhi gọi cuộc không kích này là “Chiến dịch Sindoor”, nhằm đáp trả vụ tấn công đẫm máu hôm 22/4 tại thị trấn nghỉ dưỡng Pahalgam (ở khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát), khiến 26 người thiệt mạng, chủ yếu là công dân Ấn Độ.

Theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, mục tiêu tấn công của họ là “cơ sở hạ tầng khủng bố”, nơi được cho là lên kế hoạch và chỉ đạo vụ tấn công ở Pahalgam. Phía Ấn Độ khẳng định không nhằm vào cơ sở quân sự của Pakistan, đồng thời mô tả chiến dịch là “hành động giới hạn, có tính toán, không nhằm leo thang căng thẳng”.
Tuy nhiên, chính phủ Pakistan gọi đây là hành động “gây hấn vô cớ”, cho rằng các mục tiêu bị đánh trúng là khu dân cư.
Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khawaja Asif nói rằng các cuộc tấn công đã nhắm vào khu dân cư, bác bỏ tuyên bố của Ấn Độ về việc chỉ tấn công các trại khủng bố. Người phát ngôn quân đội Pakistan, ông Ahmed Sharif, sau đó cho biết vụ không kích khiến 7 người thiệt mạng, trong đó có 2 trẻ em.
Thủ tướng Shehbaz Sharif lên án đây là “tội ác” và tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả thích đáng.
Chu kỳ mới của bạo lực - trả đũa - leo thang
Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan từ lâu đã bị phủ bóng bởi những căng thẳng liên quan đến tranh chấp lãnh thổ tại Kashmir – một trong những điểm nóng dai dẳng nhất khu vực Nam Á. Dù hai bên vẫn duy trì kênh đối thoại và có những thời điểm “giảm nhiệt”, thế đối đầu chưa bao giờ thực sự chấm dứt.
Những vụ tấn công gây thương vong lớn, đặc biệt nhắm vào dân thường như tại Pahalgam, thường trở thành chất xúc tác khiến phản ứng quân sự giữa hai bên vượt khỏi sự kiềm chế, đẩy tình hình vào vòng xoáy nguy hiểm.
Thực tế trong quá khứ đã cho thấy một chu kỳ lặp đi lặp lại giữa bạo lực, trả đũa và căng thẳng leo thang. Năm 2016, sau vụ tấn công khiến 19 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng tại Uri, New Delhi tiến hành không kích vượt qua Đường Kiểm soát (LoC), tấn công vào các trại huấn luyện khủng bố nằm trong khu vực do Pakistan kiểm soát.
Năm 2019, sau vụ đánh bom Pulwama làm 40 binh sĩ thiệt mạng, Ấn Độ không kích sâu vào Balakot – vùng không tranh chấp trong lãnh thổ Pakistan – dẫn đến phản ứng quân sự dữ dội từ Islamabad, bao gồm cả một cuộc không chiến.
Vụ việc ngày 22/4 vừa qua được xem là vụ tấn công đẫm máu nhất nhằm vào dân thường tại Kashmir trong hơn hai thập kỷ, khi các tay súng có chủ đích nhắm vào nam giới theo đạo Hindu. Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố sẽ “truy lùng thủ phạm đến cùng” và khẳng định những kẻ đứng sau sẽ phải “trả giá đắt vượt ngoài sức tưởng tượng”.
Dù New Delhi chưa chính thức chỉ đích danh tổ chức nào, nhưng cảnh sát Ấn Độ cáo buộc 2 trong số các tay súng là công dân Pakistan và cho rằng Islamabad bảo trợ cho các nhóm vũ trang – điều mà Pakistan bác bỏ hoàn toàn.
Trong hai tuần sau vụ tấn công, hai bên liên tục có các biện pháp trả đũa ngoại giao như trục xuất các nhà ngoại giao, tạm đình chỉ cấp thị thực, đóng cửa biên giới... Giới quan sát cảnh báo tình hình rất dễ leo thang theo kịch bản tương tự sau vụ đánh bom Pulwama năm 2019.
Ngòi nổ trong quan hệ Ấn Độ - Pakistan
Sau khi giành độc lập từ Anh năm 1947, cả Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố chủ quyền toàn bộ khu vực Kashmir – nhưng mỗi bên chỉ kiểm soát một phần. Kể từ đó tới nay, hai nước đã trải qua ba cuộc chiến, trong đó hai cuộc liên quan trực tiếp đến tranh chấp Kashmir. Ngoài ra còn có nhiều cuộc xung đột cục bộ như ở Kargil năm 1999.
Hiện nay, khu vực Kashmir bị chia làm ba phần: Ấn Độ kiểm soát Thung lũng Kashmir, vùng Jammu và Ladakh – nơi có đa số dân theo đạo Hindu. Pakistan quản lý vùng gọi là Azad Kashmir (Kashmir Tự do) và Khu vực phía Bắc. Trung Quốc kiểm soát khu vực Aksai Chin.
Một trong những bước ngoặt lớn là vào năm 2019, khi chính phủ Ấn Độ thu hồi Điều 370 của Hiến pháp – quy định trao quyền tự trị đặc biệt cho bang Jammu và Kashmir – và tổ chức lại thành hai vùng lãnh thổ liên bang. Quyết định này đã làm gia tăng căng thẳng, kéo theo hàng loạt biểu tình và sự xuống cấp trong quan hệ ngoại giao với Pakistan.
Từ năm 1989, khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát đã chứng kiến làn sóng nổi dậy vũ trang do các nhóm ly khai Hồi giáo phát động. Ấn Độ cáo buộc Pakistan huấn luyện và cung cấp vũ khí cho các nhóm này – cáo buộc bị Islamabad phủ nhận.
Vòng lặp khủng hoảng khó thoát
Vụ không kích ngày 7/5 không chỉ là động thái trả đũa một vụ tấn công đơn lẻ, mà còn phản ánh chu kỳ căng thẳng chưa có hồi kết giữa hai quốc gia Nam Á. Khi mà các vấn đề cốt lõi như quyền tự trị của Kashmir, quyền kiểm soát lãnh thổ và nghi ngờ lẫn nhau vẫn chưa được giải quyết, bất kỳ sự kiện đơn lẻ nào cũng có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng mới.
Giới phân tích nhận định cuộc không kích của Ấn Độ là bước leo thang được dự báo từ trước, đặc biệt khi sức ép trong nước tại Ấn Độ sau vụ tấn công ngày 22/4 gia tăng mạnh mẽ.
Theo chuyên gia về khoa học chính trị Fahd Humayun tại Đại học Tufts của Mỹ, tình hình hiện nay được đánh giá là “nghiêm trọng và khó lường”. Căng thẳng giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân có thể leo thang trong những ngày tới, thậm chí tình hình có thể thay đổi từng giờ và trở thành một cuộc xung đột toàn diện.
“Khả năng Pakistan trả đũa là điều gần như không thể tránh khỏi sau động thái từ phía Ấn Độ”, ông Humayun nhận định.
Ông Derek J. Grossman, chuyên gia phân tích quốc phòng cấp cao tại Tổ chức nghiên cứu RAND (Mỹ), cũng cho rằng “Nếu xung đột leo thang, dù chưa chạm tới ngưỡng hạt nhân, hậu quả vẫn sẽ vô cùng nghiêm trọng đối với cả Ấn Độ và Pakistan, cũng như toàn bộ khu vực và cộng đồng quốc tế”.
Tình hình hiện tại giữa Ấn Độ và Pakistan khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi “kiềm chế tối đa” từ cả hai phía, đồng thời kêu gọi đối thoại và giải quyết thông qua ngoại giao. Mỹ, Liên minh châu Âu và nhiều quốc gia khác cũng bày tỏ quan ngại và kêu gọi ngăn chặn xung đột lan rộng.