
Sáng nay 15/5, tại Kỳ họp thứ 9, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Đây là nội dung mới được bổ sung vào chương trình để Quốc hội kịp thời xem xét, quyết định ngay trong tuần này.
Tờ trình của Chính phủ cho biết, phạm vi điều chỉnh của dự thảo nghị quyết tập trung vào 3 chính sách, định hướng lớn, gồm: Chính sách về cơ chế tài chính; chính sách về bảo đảm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chính sách về ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số.

Chính phủ đề xuất ngân sách nhà nước bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển (không bao gồm chi thường xuyên về trả lương).
Chính phủ cũng đề xuất lập Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, có tư cách pháp nhân, trực thuộc Bộ Tư pháp, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Quỹ được Nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước trong tỷ lệ ngân sách Nhà nước bảo đảm chi (khoảng 6,5%); Quỹ được nhận các nguồn hỗ trợ hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước từ các tổ chức, cá nhân trong nước.
Về chính sách về đảm bảo thu hút, đãi ngộ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, dự thảo quy định về chế độ hỗ trợ hằng tháng cho cán bộ, công chức tại một số cơ quan Trung ương và địa phương như sau:
Người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị được hưởng hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng (không bao gồm phụ cấp).
Đối tượng trên bao gồm: Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; lãnh đạo, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang có vị trí việc làm xây dựng pháp luật, pháp chế, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, giải quyết tranh chấp quốc tế, nghiên cứu viên thuộc cơ quan, đơn vị theo quy định tại Phụ lục kèm theo nghị quyết này.
Bên cạnh đó còn có đối tượng khác thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương do Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.
Quy định trên không áp dụng đối với người giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo từ Thứ trưởng và tương đương trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
Thu nhập từ công tác xây dựng pháp luật theo quy định tại nghị quyết này được miễn thuế thu nhập cá nhân và các nghĩa vụ tài chính khác đối với nhà nước.
Chính phủ cho rằng, việc thực hiện chính sách đối với một số nhóm cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang được hưởng hỗ trợ hàng tháng bằng 100% mức lương hiện hưởng thể hiện như dự thảo về cơ bản không làm tăng đáng kể ngân sách nhà nước, chi hỗ trợ hằng tháng dự tính là 216,369 tỷ đồng/năm dành cho cán bộ cả ở trung ương và địa phương.
Bên cạnh đó, Nhà nước có chính sách, cơ chế đặc biệt thu hút, nâng cao chất lượng, tạo điều kiện công tác lâu dài cho nguồn nhân lực chất lượng cao cho công tác xây dựng pháp luật.
Ngoài ra còn có chính sách ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số phục vụ công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Thẩm tra, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật - Tư pháp và các cơ quan của Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành nghị quyết với cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn như được nêu trong Tờ trình của Chính phủ; tán thành việc trình dự án theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Các cơ quan của Quốc hội tán thành quy định ngân sách nhà nước bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển; bảo đảm mức, định mức chi gắn với khoán chi cho công tác xây dựng pháp luật và việc thành lập Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật, vì các chính sách lớn này đều xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và đều đã được xác định rõ tại Nghị quyết số 66-NQ/TW, đáp ứng yêu cầu đề ra tại Nghị quyết 27-NQ/TW
Ủy ban Pháp luật – Tư pháp cơ bản tán thành với quy định về chế độ hỗ trợ hằng tháng đối với người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật như dự thảo.
Đồng thời, cơ quan thẩm tra nhận thấy chính sách hỗ trợ hằng tháng không chỉ đơn thuần là việc tăng thu nhập, tạo động lực, khuyến khích cống hiến, mà còn để xác định rõ trách nhiệm, tính liêm chính, yêu cầu cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức này trong thực thi công vụ, là giải pháp đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật, hướng tới mục tiêu chuyên nghiệp hóa và ổn định nguồn nhân lực này trong dài hạn.
Về đối tượng cụ thể thụ hưởng chính sách hỗ trợ hằng tháng, Ủy ban Pháp luật – Tư pháp nhận thấy, dự thảo đã tiếp thu ý kiến của UBTVQH, của cơ quan thẩm tra và các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan để rà soát, chỉnh lý; đồng thời, thống nhất việc quy định cụ thể trong nghị quyết những đối tượng đã rõ, có sự đồng thuận, nhất trí cao giữa các cơ quan về việc bảo đảm hội đủ các tiêu chí được xác định tại Nghị quyết số 66-NQ/TW là “trực tiếp, thường xuyên”, “làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật” và “tại một số cơ quan, đơn vị”.
Đối với các trường hợp khác được một số cơ quan, đơn vị đề xuất nhưng chưa có sự thống nhất cao thì tiếp tục xem xét, làm rõ để báo cáo các cơ quan được giao thẩm quyền quy định bổ sung xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và hội trường để hoàn thiện nội dung này, bảo đảm bám sát yêu cầu của Nghị quyết số 66-NQ/TW để quy định đúng, trúng, đầy đủ các đối tượng “trực tiếp, thường xuyên” làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải.