
Một câu chuyện cách đây không lâu mà chúng ta vẫn có thể nhớ đầy đủ, đó là thời điểm Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 02/2023 ngày 21/5/2023 sửa đổi quy định về đăng kiểm. Đây là một thông tư được sửa đổi theo quy trình rút gọn, sau cuộc khủng hoảng đăng kiểm.
Trước đó rất lâu, trong nhiều năm, chúng ta vẫn giữ những quy định vô lý, khó hiểu về thời hạn đăng kiểm. Báo chí đã đề cập rất nhiều, ví dụ một ô tô mới vẫn phải kiểm định và phải trả tiền. Sau đó, thời hạn kiểm định được quy định rất sít sao.
Cụ thể, với quy định cũ, một chiếc ô tô sử dụng 20 năm ở Việt Nam sẽ phải kiểm định khoảng 36 lần. Ở Singapore thì chưa đến một nửa, chỉ 15 lần. Ở Nhật, Hàn Quốc và EU là 9 lần. Thậm chí ở Malaysia, họ còn không bắt buộc kiểm định.
Thông tin này buộc cơ quan chức năng phải giải thích tại sao lại mang đến sự phiền phức, tốn kém cho người dân và doanh nghiệp, cho xã hội đến vậy. Sau đó, Bộ Giao thông vận tải (giờ là Bộ Xây dựng) đã lắng nghe và ngay lập tức sửa đổi. Khi Thông tư mới về đăng kiểm được ban hành, các thời hạn đăng kiểm đã được giãn ra một cách hợp lý hơn. Xe mới không còn phải làm thủ tục đăng kiểm, chỉ cần đến trạm kiểm định để nộp phí đường bộ và làm thủ tục đăng ký, không phải trả tiền. Đây là một thay đổi rất phù hợp.
Sau khi chúng ta đưa ra quy định mới về đăng kiểm, nới các thời hạn đăng kiểm, các tai nạn giao thông do tình trạng kỹ thuật của xe không hề tăng lên. Thậm chí, làm đăng kiểm đúng quy chuẩn, số lượng tai nạn do vi phạm kỹ thuật của xe còn giảm xuống.
Tôi nhắc lại chuyện này để nói đến một câu chuyện khác: câu chuyện về bằng lái xe.
Hiện nay, theo các quy định hiện hành về bằng lái xe, người lái xe sau 10 năm phải đi đổi bằng lái. Thủ tục đổi (tôi không rõ tới đây có tiện dụng hơn không) nhưng vẫn còn tương đối phức tạp. Trước đây, thậm chí đi khám sức khỏe còn phải kiểm tra ma túy, kiểm tra nồng độ cồn. Nếu trong một thời gian ngắn, bằng lái quá hạn mà không đi đổi sẽ buộc phải thi lại. Với quy định này, tôi nghĩ nên xem xét lại.
Đối với câu chuyện bằng lái xe, tôi nghĩ đó là một trong những thứ chúng ta có thể cải cách. Chúng ta phải đặt ra vấn đề: đổi bằng lái xe có mục đích gì? Nếu vì mục đích kiểm tra sức khỏe của lái xe thì chỉ cần có một số hạng mục, ví dụ có thể yêu cầu kiểm tra về thể lực, thị lực.
Như ở một số quốc gia như Nhật Bản, trước khi hết hạn bằng lái một tháng, cơ quan chức thậm chí còn gửi thư đến và hỏi "bạn có cần đổi bằng lái không, chúng tôi sẽ đổi giúp".
Thực tế, hiện tất cả mọi người lái xe đều có hồ sơ an toàn trên dữ liệu điện tử. Chúng ta hoàn toàn có thể căn cứ vào đó để xem một người lái xe nếu không có lỗi vi phạm, sức khỏe vấn đảm bảo, có thể không cần phải làm bất kỳ thủ tục gì cả để đổi bẳng. Hoặc chúng ta cũng có thể quy định nghĩa vụ của một người có bằng lái, có giấy phép lái xe là nếu có một chấn thương hay một vấn đề nào đó xảy ra, mới buộc phải kiểm tra sức khỏe.
Một người dân phải đi đổi bằng lãi (nếu không cần thiết) cũng sẽ tốn những chi phí không đáng có. Cơ quan quản lý cũng phải bỏ ra nguồn lực không cần thiết để làm việc này. Đặc biệt, trong thời kỳ chuyển đổi số, số hóa như hiện nay, quy định này có lẽ đã đến lúc cần phải đem ra xem xét lại, sao cho phù hợp với thực tiễn ngày nay.