Lo phương Tây buông tay, Ukraine tức tốc hồi sinh ngành công nghiệp vũ khí

10/05/2025, 22:23

VOVLIVE - Trong bối cảnh nguồn viện trợ của phương Tây thiếu chắc chắn, Ukraine đã nỗ lực hồi sinh ngành công nghiệp vũ khí, tìm đường “tự lực cánh sinh” để trụ vững trong một cuộc xung đột tiêu hao kéo dài.

Ukraine tức tốc hồi sinh ngành công nghiệp vũ khí

Trong tòa nhà lịch sử rộng lớn ở thủ đô Kiev - nơi thường được sử dụng để tổ chức các hội chợ sách và hòa nhạc, có một bầu không khí hoàn toàn khác biệt so với trước kia. Tại đây, máy bay không người lái, tên lửa và rô bốt  - những loại vũ khí thể hiện sự đổi mới về mặt quân sự Ukraine được trưng bày đầy đủ.

Vì lý do an ninh, tên và vị trí địa điểm này được giữ bí mật. Tại đây, các binh sỹ, quan chức chính phủ, kỹ sư và những người làm việc trong lĩnh vực công nghệ đang nỗ lực nghiên cứu, phát triển máy bay không người lái và nhiều phương tiện khác. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Ukraine đang cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào các lô hàng vũ khí do phương Tây cung cấp. Ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine dường như đã bị lãng quên từ lâu sau khi Liên Xô tan rã, nhưng hiện tại đang hoạt động hết công suất.

Năm 2024, sản lượng vũ khí của Ukraine đạt 9 tỷ USD. Gần 630 công ty khởi nghiệp về công nghệ đã hợp tác với khoảng 100 công ty nhà nước lâu đời để sản xuất pháo, đạn dược, xe bọc thép, máy bay không người lái và tên lửa.

Ông Oleksandr Kamyshin, cựu Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Chiến lược, hiện là cố vấn cho tổng thống Ukraine cho biết: “Ngày nay, có khoảng 30% đến 40% thiết bị mà quân đội chúng tôi sử dụng ở tiền tuyến được sản xuất tại Ukraine”.

Vào năm 2024, hơn 96% máy bay không người lái mà quân đội Ukraine triển khai trên tiền tuyến được sản xuất trong nước. Ước tính, Ukraine đã sản xuất khoảng 10 triệu máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) mỗi năm kể từ khi xung đột nổ ra đến nay.

Cựu chủ tịch Đường sắt Ukraine, ông Kamyshin khẳng định, khoảng 300.000 công nhân trong ngành quốc phòng hiện “có khả năng sản xuất tất cả các sản phẩm mà quân đội chúng tôi cần”

“Tôi tin rằng sau khi xung đột kết thúc, Ukraine có thể xuất khẩu vũ khí từng được thử lửa trong chiến đấu cho các đối tác chiến lược ở nước ngoài”.

Trong số các loại vũ khí mà Ukraine tự chế tạo, có máy bay không người lái mang tên lửa tầm xa Palianytsia, tên lửa Peklo...

Tên lửa 100% sản xuất tại Ukraine

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Chiến lược Ukraine Herman Smetanin cho hay: “Vào năm 2023, chúng tôi chỉ chế tạo được một loại tên lửa dẫn đường Neptune, nhưng ngày nay năng lực sản xuất của chúng tôi đã bùng nổ. Năm 2024, chúng tôi đã tung ra nhiều mẫu tên lửa mới, tăng gấp 8 lần sản lượng so với năm 2023”.

Tuy nhiên, động lực thực sự không nằm ở các công ty nhà nước lâu đời mà nằm ở làn sóng các công ty khởi nghiệp mới được thành lập sau cuộc xung đột, ông Smetanin lưu ý. Theo quan chức này, hiện này chỉ có 13% số lượng tập đoàn sản xuất vũ khí của Ukraine do nhà nước điều hành.

Một trong những mục tiêu của Ukraine là phá vỡ thế độc quyền của tập đoàn nhà nước và cho phép tư nhân rót vốn hoặc đóng góp cổ phần.

“Một trong những mục tiêu của chúng tôi là mở tổ hợp quốc phòng của mình cho sản xuất tư nhân, phá vỡ thế độc quyền của các công ty nhà nước. Ngày nay, gần 52% sô lượng thiết bị quân sự đều do các nhà sản xuất tư nhân chế tạo”.

Một trong những vũ khí lợi hại nhất của Ukraine là tên lửa hành trình Trembita, do PARS chế tạo. Đây còn được gọi là tên lửa của nhân dân vì có giá thành phải chăng và hiệu quả cao. Tên lửa có thể đạt tốc độ 400 km/giờ với tầm bắn 200 km. Động cơ của Trembita là phiên bản được cải tiến của động cơ phản lực xung, có giá 200 USD. Ukraine cho biết, nước này đang phát triển phiên bản mạnh hơn của Trembita, có khả năng vươn tới Moscow.

Kiev sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt tên lửa này sau khi hoàn tất các cuộc thử nghiệm trên thực địa. Theo một số báo cáo, các kỹ sư chế tạo Trembita chỉ mất một năm rưỡi để biến ý tưởng thành hiện thực và đưa ra chiến trường. Đây được coi là tốc độ phi thường trong ngành công nghiệp quân sự của Ukraine.  Đến tháng 11/2024, Ukraine đã sản xuất được 100 tên Vào tháng 12/2024, Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố mục tiêu của Kiev là sản xuất 30.000 máy bay không người lái tầm xa và 3.000 tên lửa vào năm 2025.

“Cả Nga và Ukraie đều đang chạy đua để giành lợi thế thông qua những tiến bộ công nghệ, cho dù là bằng các giải pháp mới hay sao chép giải pháp của đối thủ”, Mykola Bielieskov, nhà phân tích tại Come Back Alive, tổ chức hỗ trợ quân đội lớn nhất của Ukraine nhận định.

Đối với Kiev, cuộc đua này đặc biệt quan trọng vì họ đang nỗ lực thay thế vũ khí phương Tây bằng vũ khí sản xuất trong nước. Máy bay không người lái, ban đầu được sử dụng để trinh sát, đã phát triển thành một phương tiện thay thế hiệu quả cho các hệ thống pháo.

Theo ông Mykola Bielieskov, “Ukraine và Nga đang rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trên chiến trường, thay đổi chiến thuật nhanh chóng và tiếp cận các công nghệ hiện đại. Trong cuộc chạy đua vũ trang ngày nay, bất kỳ lợi thế nào có được từ việc áp dụng công nghệ mới cũng chỉ kéo dài trong vài tuần, trong khi trước đây điều này có thể kéo dài hàng tháng”.

Sản xuất bí mật

Các nhà sản xuất vũ khí Ukraine phải làm việc trong điều kiện cực kỳ hạn chế và mọi công đoạn đều được tiến hành một cách bí mật. Nhiều công ty đã chuyển từ hoạt động công khai sang “hoạt động ngầm”.

“Chúng tôi tuyển dụng nhân viên mới bằng truyền miệng chứ không đăng tin hay rải đơn vì lo ngại Nga có thể tìm cách xâm nhập vào các cơ sở sản xuất vũ khí. Các nhân viên của chúng tôi mặc thường phục. Nhìn bên ngoài, không có dấu hiệu nào cho thấy cơ sở của chúng tôi sản xuất máy bay không người lái", ông Konstantin Mynakov, giám đốc công ty Omnitech Defense của Ukraine cho biết. Để giữ bí mật, Omnitech vận chuyển máy bay không người lái trong các hộp đơn giản, không có nhãn hiệu.

Tuy vậy, một trong những thách thức lớn đối với năng lực sản xuất hiện nay của Ukraine là giảm sự phụ thuộc vào các linh kiện của Trung Quốc. Nỗ lực "tự lực tự cường” đang được thể hiện rộng rãi trong ngành công nghiệp của Ukraine. Một số công ty đã lắp ráp máy bay không người lái độc quyền, bằng các bộ phận do Ukraine sản xuất, mà không bị đội chi phí so với linh kiện nhập khẩu từ châu Á. Mới đây, Kiev cũng cho biết họ có thể tự sản xuất 85% linh kiện của pháo tự hành Bohdan.

Một rào cản khác là sự thiếu hụt tài chính. Thiếu kinh phí đang làm chậm tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine. "Ngày nay, năng lực sản xuất của chúng tôi vượt xa ngân sách khả dụng. Rất nhiều nhà sản xuất thậm chí không có hợp đồng để đảm bảo cung cấp đủ kinh phí từ giờ cho đến cuối năm nay", ông Kamyshin lưu ý.

Để khắc phục điều này, Ukraine đang kêu goi đầu tư quốc tế vào sản xuất quốc phòng tại nước này. Đan Mạch đã trở thành thành viên NATO đầu tiên đầu tư trực tiếp vào sản xuất vũ khí trên đất Ukraine.

Bộ trưởng Công nghiệp Chiến lược của Ukraine Herman Smetanin cho biết, khoảng 800 nhà sản xuất vũ khí đang hoạt động tại Ukraine, sử dụng gần 300.000 nhân lực. Các nhà sản xuất này đều có khả năng gia tăng sản lượng, nhưng họ thiếu tiền và cam kết tài trợ dài hạn."Không một quốc gia nào có thể tự cung tự cấp hoàn toàn khi xét đến cường độ xung đột lớn như ở Ukraine. Chúng tôi có những hạn chế về tài chính và Nga cũng có những hạn chế đó. Nhưng họ có trình độ và quy mô kinh tế khác biệt. Họ có thể chi trả nhiều hơn chúng tôi cho ngành công nghiệp chế tạo vũ khí”, ông Smetanin nói thêm.

Bài liên quan
Thủ tướng Slovakia chỉ trích EU ngăn ông dự lễ kỷ niệm Ngày chiến thắng Nga
VOVLIVE - Thủ tướng Slovakia nói rằng đất nước ông muốn phát triển quan hệ với Nga, đồng thời chỉ trích Liên minh châu Âu đã ngăn ông dự lễ kỷ niệm Ngày chiến thắng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
VOV ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Cơ quan ngân sách Nhà nước LB Nga
VOVLIVE - Ngày 10/5, Đài TNVN (VOV) đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Cơ quan ngân sách nhà nước Liên bang Nga về tổ chức, sản xuất và phổ biến các chương trình âm nhạc, văn hóa và giáo dục (Liên bang Nga).
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp