Miễn viện phí không chỉ là ước mơ, đó là cam kết

Phạm Trang - Đinh Trang/VOV2 | 01/05/2025, 09:30

Miễn viện phí không chỉ là một mục tiêu nhân văn, mà là lời cam kết mạnh mẽ của một Nhà nước vì dân. Khi gánh nặng tiền viện không còn là rào cản, thì quyền được sống khỏe trở thành hiện thực cho mọi người dân.


Tại buổi gặp mặt các cán bộ công an từng chi viện cho chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh một mục tiêu lớn: miễn viện phí cho toàn dân vào năm 2030, nhằm hướng tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mỗi người dân Việt Nam.

“Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân. Thời gian tới, sẽ tập trung các giải pháp chăm lo, nâng cao đời sống cho nhân dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... Đồng thời chú trọng phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tiến tới miễn viện phí cho mọi người dân” – Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu.

Đây là lần thứ hai Tổng Bí thư đề cập tới định hướng này – một chủ trương đang nhận được sự đồng thuận và kỳ vọng rất lớn từ người dân. Bởi dù đã có bảo hiểm y tế chi trả phần lớn chi phí khám chữa bệnh, nhưng chi phí thuốc men, kỹ thuật cao, điều trị chuyên sâu… vẫn là gánh nặng không nhỏ – nhất là với người nghèo và bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

“Nghèo đi vì chữa bệnh” – thực tế đang diễn ra

Ông Nguyễn Văn Đ., người dân Yên Bái, chia sẻ: “Vợ tôi bị ung thư cổ tử cung, mỗi tháng đưa bà ấy xuống Hà Nội điều trị hóa chất mất 5-6 triệu đồng. Tôi chỉ có lương hưu. Khó khăn lắm”.

Ông Đoàn Văn Lệ – bệnh nhân ung thư thực quản ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội – thì thẳng thắn: “Tôi là hộ cận nghèo, có BHYT nhưng thuốc điều trị vẫn phải tự mua. Không vay mượn thì bán lợn, bán gà…”.

Không chỉ ở thành thị, tại các vùng cao, rào cản kinh tế còn khiến nhiều bệnh nhân chấp nhận từ chối điều trị. Bác sĩ Cù Seo Say, công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà (Lào Cai), cho biết: “Nhiều bà con không có tiền đi chuyển tuyến, dù biết cần điều trị ở nơi khác nhưng đành xin về.”

Miễn viện phí – nếu được thực hiện – sẽ là bước ngoặt lớn trong việc bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe của mọi công dân, đặc biệt là những người yếu thế, sống ở vùng sâu, vùng xa.

Góc nhìn từ các chuyên gia y tế đầu ngành

PGS.TS Đào Xuân Cơ – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai – nhấn mạnh rằng: “Xã hội muốn phát triển thì con người phải khỏe mạnh. Muốn con người khỏe mạnh thì phải đầu tư vào y tế và giáo dục. Miễn viện phí không chỉ là mục tiêu phúc lợi mà còn là quyết sách mang tính chiến lược phát triển”.

Theo ông, khi không còn phải lo về nguồn thu viện phí, các bệnh viện lớn như Bạch Mai sẽ tập trung vào điều trị chuyên sâu, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao.

“Nhiều nước phát triển, nguồn lực cho bệnh viện không chỉ từ Nhà nước mà còn từ xã hội hóa. Tập đoàn kinh tế, các tổ chức đều có vai trò đóng góp cho y tế cộng đồng.”

GS.TS Nguyễn Anh Trí: Có thể bắt đầu từ 2026

GS.TS Nguyễn Anh Trí – Anh hùng Lao Động, ĐBQH Đoàn Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội – bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ với định hướng miễn viện phí toàn dân.

“Tôi rất vui khi nghe Tổng bí thư Tô Lâm đề cập đến chủ trương này. Đảng và Nhà nước mà làm được, đó là điều hết sức tốt đẹp. Mong mỏi này đã có từ lâu trong nhân dân", GS.TS Nguyễn Anh Trí chia sẻ.

Tuy nhiên, ông cho rằng y tế khác với giáo dục, chi phí điều trị y tế thường biến động và rất cao: “Chữa cảm cúm có thể mất vài triệu đồng, nhưng điều trị ung thư có thể cần vài trăm triệu đến vài tỷ. Muốn miễn viện phí thì điều đầu tiên là phải củng cố và mở rộng Quỹ Bảo hiểm Y tế".

Ông đề xuất một lộ trình cụ thể: “Ưu tiên trước hết là người nghèo, người có công, người cao tuổi, trẻ dưới 6 tuổi và người mắc bệnh hiểm nghèo. Nếu làm tốt, từ năm 2026 đã có thể bắt đầu, rồi đến 2030 là toàn dân”.

Ngoài bảo hiểm y tế, GS Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh 2 yếu tố sống còn: Củng cố y tế cơ sở, vì phần lớn bệnh tật phổ biến có thể điều trị ngay tại địa phương. Đảm bảo thuốc và vật tư y tế, tránh tình trạng thiếu hụt như giai đoạn hậu COVID-19.“Nếu hai điều kiện này được làm tốt, người dân không chỉ được miễn viện phí, mà còn được phục vụ đầy đủ, kịp thời. Việc này hoàn toàn có thể bắt đầu ngay từ 2026”, ông Trí nói.

Miễn viện phí không đứng một mình

Đề xuất miễn viện phí toàn dân vào năm 2030 – được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh – không đứng một mình. Nó đang nằm trong chuỗi chính sách lớn hơn, mở rộng phúc lợi và giảm gánh nặng chi trả trực tiếp cho người dân.

Từng bước điều chỉnh về bảo hiểm, trợ cấp, và cơ chế vận hành hệ thống y tế đang cho thấy một cách tiếp cận toàn diện hơn – nơi người dân được đặt làm trung tâm.

“Người dân khỏe mạnh thì xã hội phát triển. Chăm sóc sức khỏe ngay từ trong bào thai – như Tổng Bí thư đã nói – là tư duy rất tiến bộ và nhân văn”, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẳng định.

Miễn viện phí, nếu thành hiện thực, sẽ là bước ngoặt lớn. Hành trình này không dễ dàng, nhưng từng thay đổi nhỏ hôm nay chính là nền móng cho một hệ thống y tế bền vững hơn trong tương lai.

Luật BHXH năm 2024: mở rộng đối tượng tham gia, tăng quyền lợi, hướng tới BHXH toàn dân.

Luật BHYT sửa đổi (hiệu lực từ 1/1/2025): bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được chi trả 100% không cần giấy chuyển tuyến.

Tăng chuẩn trợ cấp người có công, điều chỉnh trợ cấp xã hội định kỳ.

Thí điểm mô hình “Quỹ – Mua – Cung ứng dịch vụ y tế”, đẩy mạnh cơ chế tự chủ bệnh viện công lập.

Bài liên quan
Vụ sữa giả, thuốc giả, bác sĩ và lãnh đạo bệnh viện nói gì?
Bác sĩ và bệnh nhân rất phẫn nộ trước tình trạng sản xuất thuốc giả, sữa giả. Những đối tượng làm giả cần phải bị pháp luật nghiêm trị. Không thể bất chấp tất cả chỉ vì lợi nhuận. Đó là tội ác!

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Xúc động khoảnh khắc hai đoàn tàu Thống Nhất gặp nhau tại Đà Nẵng
Hai đoàn tàu Thống Nhất khởi hành từ 2 đầu đất nước gặp nhau tại Đà Nẵng vào trưa 30/4, mang đến niềm xúc động và tự hào cho nhiều người.
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp