Đăng tải trên Truth Social, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết các thỏa thuận và thư từ hồi đáp liên quan đến thuế quan sẽ bắt đầu được gửi đến các nước trên thế giới từ 0h giờ 7/7 theo giờ Mỹ (12 giờ trưa 7/7 giờ Việt Nam).
Trước đó, Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận sẽ chính thức áp dụng mức thuế nhập khẩu mới từ ngày 1/8 nhằm, siết bảo vệ các ngành sản xuất trong nước. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Lutnick cho biết, quyết định này sẽ ảnh hưởng tới nhiều mặt hàng chiến lược, trong đó tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, ô tô, thép và nhôm. Mức thuế mới dự kiến dao động từ 10% đến 25%, tùy loại hàng hóa và quốc gia xuất khẩu.

Phát biểu trên Reuters ngày 6/7, ông Lutnick cho biết: “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng các doanh nghiệp Mỹ không bị lép vế trước những nền kinh tế đang thao túng thương mại và trợ cấp sản xuất. Đây là bước đi cần thiết để tái thiết lập sự công bằng”.
Động thái này tiếp nối chuỗi biện pháp tăng cường hàng rào thuế quan mà Tổng thống Trump đã đẩy mạnh trong nhiệm kỳ thứ hai. Trước đó, Mỹ từng áp thuế cao đối với hàng hóa từ Trung Quốc, châu Âu và một số quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, lần tăng thuế sắp tới được nhận định sẽ có phạm vi rộng hơn và tác động sâu hơn đến các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cũng khẳng định, Tổng thống Donald Trump sẽ áp dụng trở lại mức thuế quan cũ từ ngày 1/8 đối với những quốc gia chưa đạt được thỏa thuận thương mại mới với Mỹ.
Phát biểu trên chương trình “State of the Union” của CNN, ông Bessent nói: “Chỉ còn ba ngày nữa là đến thời hạn áp dụng lại thuế quan ban đầu vào ngày 9/7, chúng tôi đã quyết định lùi sang ngày 1/8, nhưng nếu các đối tác không đẩy nhanh tiến độ đàm phán, họ sẽ phải chịu mức thuế quan như ngày 2/4.”
Theo ông Bessent, chính quyền Trump sẽ gửi thư cảnh báo đến khoảng 100 quốc gia, phần lớn là các nền kinh tế nhỏ hơn, nhấn mạnh rằng nếu không đạt được tiến triển rõ rệt, các nước này sẽ phải đối mặt với mức thuế cao hơn.
Các chuyên gia của Politico nhận định, việc Mỹ áp thuế lần này mang tính chiến lược nhiều hơn thuần túy kinh tế. Mục tiêu quan trọng của ông Trump là giành lại lá phiếu từ các bang công nghiệp truyền thống, nơi từng ủng hộ mạnh mẽ chính sách “Nước Mỹ trên hết” trong cuộc bầu cử trước.
Ngoài ra, Nhà Trắng cũng nhấn mạnh rằng việc tăng thuế sẽ khuyến khích các tập đoàn lớn quay trở lại sản xuất trong nước, giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài và bảo vệ việc làm của lao động Mỹ.
Tuy vậy, nhiều nhà kinh tế cảnh báo biện pháp này có thể làm gia tăng căng thẳng thương mại quốc tế và ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng toàn cầu. Trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu phục hồi sau các cú sốc từ đại dịch và lạm phát, việc tăng thuế có thể khiến chi phí tiêu dùng và chi phí đầu vào sản xuất tăng mạnh, gián tiếp tác động đến sức mua của người dân.
Hiện tại, các hiệp hội ngành hàng tại Mỹ đang gấp rút chuẩn bị các phương án ứng phó, đồng thời kêu gọi chính quyền xem xét lại mức thuế đối với một số mặt hàng thiết yếu. Dù vậy, giới quan sát cho rằng khả năng lùi thời hạn hoặc miễn trừ là rất thấp, do ông Trump muốn thể hiện lập trường cứng rắn ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Việc tăng thuế nhập khẩu lần này được dự đoán sẽ tiếp tục là tâm điểm tranh luận tại Quốc hội Mỹ và trên các diễn đàn kinh tế quốc tế trong những tuần tới.