Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương - cuộc đời tận hiến cho Tổ quốc

Nguyên Nhung/VOV1 | 23/05/2025, 18:40

VOVLIVE - Không chỉ là một nhà lãnh đạo có tầm vóc, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương còn là một đảng viên trung kiên, suốt đời phấn đấu vì lý tưởng cộng sản.

Ngày 20/5/2025, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương từ trần tại Hà Nội, hưởng thọ 88 tuổi. Sự ra đi của ông là mất mát lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, để lại niềm tiếc thương sâu sắc trong lòng nhân dân cả nước.

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương là một nhà lãnh đạo mẫu mực, ở bất kỳ cương vị nào, từ kỹ sư địa chất lăn lộn, cần mẫn đến người đứng đầu Nhà nước, ông đều để lại những dấu ấn sâu sắc, tận hiến, đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương sinh ngày 5/5/1937 tại xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Ông tham gia cách mạng tháng 2/1955. Từ tháng 2/1955 đến tháng 9/1955, ông tập kết ra Bắc, học sơ cấp ngành địa chất. Sau đó, ông công tác tại Đoàn Địa chất 20 với các vị trí từ nhân viên kỹ thuật, đội trưởng đội địa chất đến phó đoàn kỹ thuật.

Sau thời gian học chuyên tu tại Đại học Mỏ - Địa chất, suốt hai thập kỷ đầu tiên của sự nghiệp, ông đã lăn lộn trên khắp các miền rừng núi, khảo sát và nghiên cứu địa chất, góp phần quan trọng vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Ông lần lượt được giao nhiều trọng trách: Cục phó Cục Bản đồ địa chất, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất; Phó chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật của Quốc hội.

Những đồng nghiệp của ông trong ngành địa chất vẫn giữ nguyên những kỷ niệm về người đồng chí, đồng nghiệp, người lãnh đạo gương mẫu, nhiệt tình. Bùi ngùi về sự ra đi của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, TS Địa chất Nguyễn Thành Vạn, nguyên Phó Cục trưởng Cục bản đồ Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) nhớ về những năm tháng tuổi trẻ ông được công tác ở Cục Bản đồ địa chất, lúc đó ông Trần Đức Lương là Phó Cục trưởng Cục Bản đồ địa chất và là nhà địa chất tài giỏi.

Theo ông Nguyễn Thành Vạn, ông Trần Đức Lương đã có nhiều đóng góp rất quan trọng cho ngành địa chất Việt Nam. Trong đó, công trình nổi bật nhất là ông Trần Đức Lương đồng chủ biên xây dựng nên công trình Bản đồ Địa chất Việt Nam tỷ lệ 1/500.000, xuất bản năm 1998, là công trình tổng hợp đầu tiên của nước ta về cấu trúc địa chất của Việt Nam, đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005.

"Đối với tôi, Chủ tịch nước Trần Đức Lương mà trước đây chúng tôi vẫn gọi một cách rất thân mật là anh Trần Đức Lương. Anh ấy là một người anh và là một người thầy. Anh ấy tự học rất nghiêm túc và có một quá trình tiếp cận các vấn đề của địa chất với một nhãn quan rất khoa học. Anh làm việc trực tiếp với chuyên gia Liên Xô, anh tự học và nói tiếng Nga rất tốt. Anh trình bày tất cả các vấn đề bằng tiếng Nga trực tiếp với đoàn chuyên gia địa chất, các chuyên gia Liên Xô rất ngạc nhiên", ông Nguyễn Thành Vạn đồng thời cho biết, các vấn đề địa chất mà sau này ông chủ trì làm, ông Trần Đức Lương đều có những đánh giá và góp ý, định hướng rất quan trọng.

"Anh Trần Đức Lương dẫn dắt và đào tạo tôi rất nhiều. Tôi học được rất nhiều từ đức tính của anh Trần Đức Lương", ông Vạn chia sẻ.

Từ năm 1987 đến tháng 8/1992, ông Trần Đức Lương được phân công làm Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ), đồng thời là Đại diện thường trực Việt Nam tại Hội đồng Tương trợ Kinh tế.

Từ tháng 9/1992, ông giữ chức Phó Thủ tướng đến năm 1997. 10 năm ở cương vị Phó Thủ tướng, cũng là thời kỳ đất nước thực hiện quyết liệt chủ trương đổi mới của Đảng, chuyển mình từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với đầy rẫy những khó khăn.

Trong bối cảnh, sự lạc hậu của cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp đã bộc lộ rõ và để lại hậu quả, lạm phát tăng cao, kinh tế khó khăn, cùng với tình hình thế giới bất lợi, Đông Âu và Liên Xô chuẩn bị tan rã. Trong hoàn cảnh đó, cá nhân Phó Thủ tướng Trần Đức Lương đã cùng với tập thể Chính phủ gánh vác công việc bộn bề trong giai đoạn đầu Đổi mới để đưa đất nước từng bước thoát khỏi khó khăn, góp phần làm nên những thành tựu của quá trình Đổi mới.

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã để lại nhiều dấu ấn

Cảm phục cuộc đời và sự nghiệp của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương cống hiến cho đất nước, trong đó có giai đoạn ông làm Phó Thủ tướng, PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khoá XIII, nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho biết, giai đoạn ông Trần Đức Lương làm Phó Thủ tướng, đất nước đang rất khó khăn. Ông đã rất cố gắng, nỗ lực cùng với Chính phủ, tham khảo có chọn lọc những kinh nghiệm của nước ngoài để đưa đất nước vượt qua được giai đoạn khó khăn ấy, dần dần vươn lên về mặt kinh tế, ổn định chính trị, vị thế của đất nước đi lên.

"Trong đó có đóng góp của ông Trần Đức Lương với vai trò Phó Thủ tướng, phụ trách mảng công nghiệp rất khó khăn, mà đã vượt lên được", bà Bùi Thị An cho biết.

Trong hai nhiệm kỳ ở cương vị Chủ tịch nước (1997-2006), ông Trần Đức Lương đã có những đóng góp lớn lao trong công tác đối nội và đối ngoại, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng cường vị thế quốc tế của Việt Nam.

Ông đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội. Trong thời gian này, những cải cách về thể chế, tổ chức bộ máy và thủ tục hành chính từng bước được triển khai, tạo nền tảng cho quá trình hiện đại hóa và hội nhập.

Nhà báo Hà Đăng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương cho biết, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã để lại nhiều dấu ấn. Khi đó, phong trào sản xuất trong nước đang lên nhưng cũng đang gặp nhiều khó khăn, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã quan tâm rất nhiều đến việc phát triển kinh tế -  xã hội, phát triển đường lối của đất nước.

"Ông Trần Đức Lương cũng là một vị Chủ tịch nước có tình cảm sâu nặng với bà con, anh em và đối với hệ thống cán bộ cũng vậy. Những điều đồng chí làm được đã ghi dấu ấn trong thời gian đồng chí xử lý công việc Chủ tịch nước", nhà báo Hà Đăng cho biết.

Không chỉ là một nhà lãnh đạo có tầm vóc, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương còn là một đảng viên trung kiên, suốt đời phấn đấu vì lý tưởng cộng sản. Ngay từ năm 1959, ông đã đứng vào hàng ngũ của Đảng, trải qua 65 năm rèn luyện, cống hiến không ngừng nghỉ. Trên mọi cương vị công tác, ông luôn thể hiện tinh thần tiên phong, gương mẫu, khiêm nhường và gần gũi với nhân dân.

Với những đóng góp to lớn cho đất nước, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương, phần thưởng, danh hiệu cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương từ trần. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam mất đi một nhà lãnh đạo có tầm nhìn, tận tụy và luôn đặt lợi ích của đất nước và nhân dân lên trên hết. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ, đảng viên noi theo.

Bài liên quan
Ban Bí thư điều động, chỉ định nhân sự Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương
VOVLIVE - Ông Ngô Văn Cương được Ban Bí thư điều động, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy và giữ chức giữ chức Phó Bí thư chuyên trách Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng: Chấp nhận 'mất học phí' để xử lý hàng nghìn dự án tồn đọng
VOVLIVE - Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, không hợp thức hóa cái sai nhưng cần tìm giải pháp để xử lý các dự án tồn đọng và "chấp nhận mất mát, coi đây là học phí".
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp