
Ông Lê Hoài Nam - Phó Cục trưởng Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, Việt Nam hiện có hơn 70 triệu xe mô tô, xe gắn máy, nhiều năm qua khí thải từ các nguồn giao thông khổng lồ này chưa được kiểm soát. Một trong những giải pháp cải thiện chất lượng không khí rất quan trọng hiện nay là siết chặt các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Theo đó, Luật An toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1/1/2025 đã bổ sung quy định kiểm định khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy. Chi tiết hơn, Thông tư 47 năm 2024 của Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) quy định, xe mô tô, xe máy dưới 5 năm được miễn kiểm định khí thải.
Đối với xe mô tô, xe gắn máy có thời gian sản xuất trên 5 năm đến 12 năm, chu kỳ kiểm định khí thải định kỳ là 24 tháng. Thời gian sản xuất trên 12 năm, chu kỳ kiểm định khí thải định kỳ là 12 tháng.
"Để quản lý và giảm thiểu ô nhiễm từ giao thông một cách tổng thể, trước hết, cần nâng cao chất lượng nhiên liệu, vì nhiên liệu kém chất lượng là nguyên nhân chính làm tăng khí thải độc hại", Phó Cục trưởng Cục Môi trường cho hay.
Theo các chuyên gia, Chính phủ cần đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang phương tiện xanh, đặc biệt là xe máy điện và ô tô điện. Hiện nay, xe máy điện vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ do giá thành cao và hạ tầng trạm sạc hạn chế. Chính phủ có thể giảm thuế hoặc trợ giá cho xe điện, đồng thời đầu tư vào mạng lưới trạm sạc tại các đô thị.
Tiếp đến là phát triển giao thông công cộng, đây là giải pháp dài hạn để giảm phụ thuộc vào phương tiện cá nhân. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần đẩy nhanh tiến độ các dự án metro, xe buýt nhanh, đồng thời thiết kế các làn đường riêng cho xe đạp và người đi bộ.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân là yếu tố không thể thiếu. Các chiến dịch truyền thông cần nhấn mạnh lợi ích của kiểm định khí thải, như tiết kiệm nhiên liệu và bảo vệ sức khỏe. Người dân cần hiểu rằng bảo dưỡng xe định kỳ không chỉ giúp xe đạt chuẩn khí thải mà còn tiết kiệm chi phí lâu dài.
Để chuẩn bị cho việc thực hiện kiểm định khí thải xe máy cũ, ông Lê Hoài Nam cho biết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã xây dựng dự thảo Quy chuẩn khí thải xe mô tô, xe gắn máy và dự thảo Lộ trình áp dụng quy chuẩn này.
Với xe ô tô, ông Lê Hoài Nam cho biết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đã gửi các bộ, ngành, địa phương lấy ý kiến về dự thảo Quy chuẩn khí thải phương tiện ô tô lưu hành ở Việt Nam, sớm trình Chính phủ xem xét, ban hành. Các dự thảo về Quy chuẩn khí thải xe ô tô lưu hành tại Việt Nam và Quy chuẩn khí thải xe mô tô, xe gắn máy được xây dựng theo hướng nâng ngưỡng áp dụng chặt chẽ hơn, có lộ trình áp dụng với các địa phương trong cả nước, nhất là những địa phương có mức độ không khí nghiêm trọng như Hà Nội.
Lãnh đạo Cục Môi trường cũng cho rằng, bên cạnh vấn đề ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn khí thải xe cơ giới thì vấn đề tiêu chuẩn và chất lượng nhiên liệu rất quan trọng. Việt Nam đã áp dụng quy chuẩn euro 5 với ô tô lắp ráp, nhập khẩu mới. Tuy nhiên chất lượng nhiên liệu tương ứng lại chưa đáp ứng được. Các loại nhiên liệu cung ứng cho người dân chủ yếu mức euro 2, euro 3. “Để kiểm soát được vấn đề phát thải thì kiểm soát chất lượng nhiên liệu rất quan trọng, đây là nội dung liên quan đến nhiều bộ ngành khác”, ông Lê Hoài Nam nhấn mạnh
Dự thảo lộ trình áp dụng kiểm định khí thải xe ô tô lưu hành ở Việt Nam như sau:
Ô tô có năm sản xuất trước năm 1999 áp dụng Mức 1 từ ngày Quyết định này có hiệu lực.
Ô tô có năm sản xuất từ năm 1999 áp dụng Mức 2 từ ngày Quyết định này có hiệu lực.
Ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén có năm sản xuất từ năm 2017 áp dụng Mức 3 từ ngày 1 tháng 1 năm 2026.

Đối với ô tô có đăng ký biển số của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lắp động cơ cháy cưỡng bức và ôtô lắp động cơ cháy do nén có năm sản xuất từ năm 2017 áp dụng Mức 4 từ ngày 1 tháng 1 năm 2026.
Ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ôtô lắp động cơ cháy do nén có năm sản xuất từ năm 2022 áp dụng Mức 4 từ ngày 1 tháng 1 năm 2026 và Mức 5 từ ngày 1 tháng 1 năm 2028.
Đối với ô tô có đăng ký biển số của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén có năm sản xuất từ năm 2022 áp dụng Mức 5 từ ngày 1 tháng 1 năm 2027.
Dự thảo cũng quy định tổ chức thực hiện như sau:
Bộ Nông nghiệp và Môi trường chịu trách nhiệm hướng dẫn tổ chức thực hiện lộ trình này.
Căn cứ vào tình hình thực tế tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các quy định nâng cao mức tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của ô tô lưu hành ở Việt Nam để trình Thủ tướng Chính phủ công bố lộ trình tiếp theo.
Bộ Xây dựng chủ trì tổ chức việc kiểm tra, chứng nhận phương tiện ôtô đáp ứng mức quy chuẩn khí thải quy định tại Quyết định này; giám sát các cơ sở đăng kiểm xe cơ giới thực hiện kiểm định khí thải ô tô tuân thủ Quyết định này trong kiểm tra, chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Bộ Công Thương chủ trì xây dựng kế hoạch, lộ trình cung ứng nhiên liệu và kiểm soát chất lượng nhiên liệu phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật và lộ trình áp dụng mức khí thải quy định tại Quyết định này, hoàn thành báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 năm 2025.
Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, rà soát quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhiên liệu để sửa đổi, bổ sung phù hợp với lộ trình áp dụng các mức khí thải quy định tại Quyết định này.
Rà soát các quy định về việc công nhận, chỉ định tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo khí thải theo quy định của pháp luật về đo lường để sửa đổi, bổ sung phù hợp với lộ trình áp dụng các mức khí thải quy định tại Quyết định này.
Bộ Công An tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ của ôtô theo các mức khí thải tương ứng tại Quyết định này; xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với các Bộ có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.
Căn cứ điều kiện kinh tế, xã hội và yêu cầu công tác bảo vệ môi trường tại địa phương, quy định lộ trình áp dụng mức khí thải tại địa phương theo hướng nghiêm ngặt hơn mức khí thải quy định tại Quyết định này, đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.