Mô hình được triển khai trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp du lịch, hướng đến xây dựng Cầu ngói Thanh Toàn thành điểm đến di sản – sinh thái – thông minh – không rác nhựa.

Tại lễ ra mắt, 5 cơ sở du lịch cộng đồng như Nhà Trưng bày Nông cụ Thanh Toàn, Vườn Văn Thánh, cơ sở Nón lá Nguyễn Thị Kiềm... đã được trao chứng nhận “Giảm nhựa” và triển khai thí điểm các giải pháp giảm nhựa dùng một lần như: thay chai nhựa bằng bình cá nhân, hạn chế túi nilon, sử dụng ly thủy tinh, lọ sứ đựng dầu gội- sữa tắm...

Dự án cũng hỗ trợ thiết bị ban đầu gồm: máy lọc nước, trạm tiếp nước miễn phí, bảng truyền thông, thùng rác phân loại... tạo thuận lợi cho du khách và người dân cùng tham gia hành động vì môi trường.

Bà Hoàng Ngọc Tường Vân, Giám đốc Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” cho biết, những kết quả tích cực từ các mô hình tiên phong sẽ là nền tảng để mở rộng mô hình ra toàn xã và các địa phương khác, hướng đến một hệ sinh thái du lịch xanh, bền vững.
“Phát triển điểm Cầu ngói Thanh Toàn thành một điểm du lịch cộng đồng, chúng tôi cũng nhân rộng các hoạt động về giảm nhựa. Khi quý vị đi thăm 5 cơ sở cùng với dự án tham gia cam kết đồng hành giảm nhựa trong hoạt động du lịch và dịch vụ đã hạn chế và dần dần tiến tới loại bỏ nhựa dùng một lần ở các cơ sở lưu trú, nhà hàng... Bên cạnh đó, dự án cũng cùng đồng hành với cơ sở triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn, giảm rác thải nhựa, giảm rác thải ra môi trường, tạo thói quen phân loại rác tại nguồn cho du khách cũng như cộng đồng dân cư”, bà Hoàng Ngọc Tường Vân nói.

Cầu ngói Thanh Toàn là cây cầu gỗ mái ngói hơn 240 năm tuổi, cùng chợ quê và nhà trưng bày nông cụ, từ lâu đã là biểu tượng du lịch cộng đồng của Huế. Việc lựa chọn nơi đây làm điểm cho mô hình du lịch giảm nhựa mang ý nghĩa sâu sắc trong việc gìn giữ di sản gắn với bảo vệ môi trường.