
Theo luật gia, cơ sở pháp lý cho quyền lợi này nằm ở Bộ luật Dân sự 2015 và hệ thống các văn bản pháp luật liên quan, đặc biệt là các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định rõ: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường...”.
Nguyên nhân gốc rễ: Thiếu sót trong quản lý và duy tu cơ sở hạ tầng
Luật gia Đỗ Hà Trung phân tích: “Trong vụ việc hố tử thần trên đường Trường Chinh, việc ống nước bị hở gây xói mòn nền đường, dẫn đến hư hỏng phương tiện của người tham gia giao thông, cho thấy rõ ràng có dấu hiệu của sự thiếu sót trong quản lý và duy tu cơ sở hạ tầng giao thông”.

Vị luật gia nhấn mạnh, đây không chỉ là một sự cố đơn lẻ mà còn phản ánh trách nhiệm của các đơn vị liên quan. “Việc một sự cố rò rỉ ống nước có thể dẫn đến hình thành hố tử thần lớn như vậy chứng tỏ có vấn đề trong việc kiểm tra định kỳ, phát hiện sớm các dấu hiệu hư hỏng tiềm ẩn, cũng như tốc độ phản ứng và khắc phục sự cố của các đơn vị chịu trách nhiệm”, luật gia Đỗ Hà Trung nói.
Phân định rõ trách nhiệm theo quy định của UBND thành phố Hà Nội
Để làm rõ hơn về trách nhiệm quản lý và duy tu hạ tầng giao thông đô thị tại Hà Nội, luật gia Đỗ Hà Trung đã chỉ ra các quy định cụ thể: “Theo Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND ngày 28/03/2018 của UBND Thành phố Hà Nội, một văn bản pháp lý quan trọng về quản lý đường đô thị, Thành phố đã thiết lập một khuôn khổ phân công, phân cấp trách nhiệm rõ ràng”.
Quyết định này khẳng định nguyên tắc quản lý thống nhất nhưng có sự phân công, phân cấp cụ thể giữa các sở, ngành và chính quyền địa phương. Thay vì một cơ quan duy nhất, trách nhiệm được chia sẻ theo từng cấp độ và lĩnh vực:
Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội nay là Sở Xây dựng đóng vai trò là cơ quan quản lý nhà nước đầu mối về hạ tầng giao thông đường bộ. Đơn vị này chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND Thành phố, đồng thời chỉ đạo, kiểm tra và giám sát. Theo quyết định này, Sở GTVT có quyền trực tiếp hoặc phân cấp, giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc hoặc ký hợp đồng với các doanh nghiệp, đơn vị công ích chuyên ngành để thực hiện công tác bảo trì, duy tu thường xuyên các tuyến đường.
Các đơn vị duy tu, bảo trì (như các công ty công ích hoặc doanh nghiệp chuyên ngành) là những đơn vị trực tiếp thực hiện công việc bảo trì mặt đường, hệ thống thoát nước mưa, cây xanh, chiếu sáng... trên các tuyến đường được giao theo hợp đồng hoặc phân công từ Sở GTVT hoặc UBND cấp quận/huyện.

Với tuyến đường Trường Chinh là một trục huyết mạch, việc quản lý và duy tu mặt đường, vỉa hè, hệ thống thoát nước mưa khả năng cao thuộc về Sở Xây dựng, thông qua một đơn vị chuyên trách. Báo chí cũng đã thông tin về Công ty Cổ phần Công trình Giao thông Hà Nội là đơn vị duy tu, sửa chữa mặt đường khu vực phía Nam Hà Nội, nơi có đường Trường Chinh.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, các đơn vị liên quan đã có kết luận chính thức về nguyên nhân gây ra sự cố sụt lún trên đường Trường Chinh.
Theo đó, nguyên nhân được xác định là do vỡ đường ống cấp nước ngang D400. Mặt khác đường cấp nước D100 đục thủng đường thoát nước D400, khi vỡ đường ống nước gây ra xói lở và thoát theo đường cống D400.
"Hiện công tác xử lý sự cố đã hoàn tất. Lòng đường đã được hoàn trả nguyên hiện trạng ban đầu, phục vụ người dân đi lại", ông Hải nói.
Ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Khi được hỏi về chủ thể có thể phải chịu trách nhiệm, vị luật gia phân tích: “Việc xác định ai là người phải bồi thường đòi hỏi sự làm rõ vai trò của đơn vị quản lý tuyến đường Trường Chinh và đơn vị quản lý hệ thống cấp thoát nước tại khu vực đó”.
Luật gia Đỗ Hà Trung giải thích thêm: “Đơn vị quản lý đường có trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông và duy trì tình trạng tốt của mặt đường. Nếu họ có sai sót trong việc kiểm tra, phát hiện, hoặc khắc phục kịp thời các hư hỏng tiềm ẩn, họ có thể bị coi là thiếu trách nhiệm. Tương tự, nếu nguyên nhân chính xác là do ống nước bị hở, đơn vị quản lý hệ thống cấp thoát nước cũng có thể có trách nhiệm do không duy trì hệ thống ống nước an toàn, gây ra rò rỉ và xói mòn”.

Tuy nhiên, vị luật gia nhấn mạnh, việc xác định trách nhiệm cụ thể sẽ cần có sự điều tra kỹ lưỡng từ phía cơ quan chức năng hoặc thông qua quy trình tố tụng dân sự.
Để giúp người bị thiệt hại hiểu rõ hơn về quyền lợi của mình, luật gia Đỗ Hà Trung đã đưa ra những lời khuyên cụ thể về các bước cần thực hiện để yêu cầu bồi thường: Thu thập chứng cứ: Ngay sau khi sự việc xảy ra, người bị hại nên chụp ảnh, quay phim hiện trường, phương tiện bị hư hỏng, thu thập thông tin về thời gian, địa điểm, và nhân chứng (nếu có).
Thông báo cho cơ quan chức năng: Việc trình báo sự việc cho cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương để có biên bản ghi nhận là vô cùng cần thiết.
Liên hệ với đơn vị có trách nhiệm: Chủ phương tiện bị hư hỏng nên gửi văn bản yêu cầu bồi thường đến các đơn vị chịu trách nhiệm liên quan, nêu rõ sự việc, mức độ thiệt hại và yêu cầu bồi thường.
Khởi kiện ra tòa án: Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, người bị hại có quyền khởi kiện vụ án dân sự ra Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Vụ việc hố tử thần trên đường Trường Chinh một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tầm quan trọng của việc duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng. Đối với người dân, việc nắm rõ quyền lợi pháp lý sẽ giúp họ bảo vệ bản thân khi không may gặp phải những sự cố tương tự.