
Theo báo cáo của Bộ Dân tộc và Tôn giáo - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, tính đến hết ngày 8/7 vừa qua, cả nước đã hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng 264.522 căn nhà, đạt 91,3% kế hoạch đề ra. Hiện còn khoảng 25.232 căn nhà cần hoàn thành trước ngày 31/8.
Đáng chú ý, đã có 18 trong số 34 địa phương hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát, chiếm tỷ lệ 52,9%. Những con số này không chỉ thể hiện rõ tiến độ thực hiện, mà còn là minh chứng sống động cho những chuyển biến tích cực trong đời sống của hàng trăm nghìn hộ nghèo trên khắp cả nước.
Mỗi căn nhà được dựng lên là một cuộc đời được nâng đỡ, là chỗ dựa để người dân vững tin vào sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Nhà ở không chỉ là nơi trú ngụ, mà còn là biểu tượng của tinh thần “tương thân tương ái”, khơi dậy sức mạnh đoàn kết và lòng nhân ái trong cộng đồng.

Kể từ khi được phát động (ngày 13/4/2024), chương trình đã nhận được sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức xã hội và cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, ngành Ngân hàng đã đóng góp khoảng 1.300 tỷ đồng, phân bổ hỗ trợ đến từng địa phương thông qua các ngân hàng thành viên. Lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam cũng tham gia tích cực, đóng góp hơn 600 tỷ đồng, 76.500 ngày công lao động và 21.000 lượt cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia xây dựng nhà cho người dân nghèo.
Nhiều địa phương đã linh hoạt áp dụng nguyên tắc “3 rõ”: rõ đối tượng, rõ hỗ trợ, rõ trách nhiệm để đảm bảo triển khai chương trình một cách minh bạch và hiệu quả. Việc ưu tiên sử dụng vật liệu tại chỗ và huy động nhân lực địa phương giúp tiết giảm chi phí mà vẫn đảm bảo chất lượng công trình.
Một minh chứng điển hình là huyện Đà Bắc (trước thuộc tỉnh Hòa Bình, nay sáp nhập vào tỉnh Phú Thọ), nơi đã hoàn thành 100% mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát tính đến ngày 30/5. Nhờ đó, toàn tỉnh đạt 96,2% kế hoạch tính đến ngày 23/6/2025. Kết quả này là minh chứng cho sự đồng thuận cao giữa chính quyền và người dân trong việc hiện thực hóa mục tiêu “an cư lạc nghiệp”, đặc biệt với đồng bào dân tộc thiểu số và các hộ nghèo vùng sâu, vùng xa.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành của toàn xã hội, chương trình không chỉ mang đến những mái ấm vững chãi, mà còn thắp lên niềm hy vọng, tiếp thêm động lực để người dân nghèo vươn lên xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thành công của chương trình xóa nhà tạm sẽ là “dấu son” năm 2025
TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội, cho biết: Quyền có nhà ở, có chỗ ở là một quyền hiến định, được ghi rõ trong Hiến pháp Việt Nam và là nội dung quan trọng trong các công ước quốc tế về nhân quyền của Liên Hợp Quốc. Đây cũng là một trong 8 tiêu chí của giảm nghèo đa chiều và bền vững.
Sau 50 năm đất nước thống nhất, việc vẫn còn người dân - đặc biệt là người nghèo, người yếu thế - phải sống trong nhà tạm, nhà dột nát là điều không thể chấp nhận. Nó phản ánh sự chưa công bằng trong hưởng thụ thành quả phát triển và cách mạng.
Việt Nam vốn có truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái "bầu ơi thương lấy bí cùng" và đang theo đuổi mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, lấy con người làm trung tâm, động lực và mục tiêu phát triển. Vì vậy, đáp ứng nhu cầu nhà ở là việc cấp thiết, không chỉ mang ý nghĩa nhân văn mà còn thúc đẩy thị trường bất động sản, tạo động lực tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Ông Nguyễn Minh Phong cho hay: Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát vì thế không chỉ thể hiện sự tri ân, đoàn kết xã hội, mà còn là giải pháp phát triển bền vững. Năm 2025 là năm bản lề, là thời điểm hướng tới một kỷ nguyên mới, chào mừng Đại hội Đảng lần thứ 14 và kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, không có dấu ấn nào tốt đẹp hơn là thành công của chương trình này.
“Chúng tôi nhiều lần xem qua truyền hình, mạng xã hội những hình ảnh nhà tạm bợ ở vùng sâu, vùng xa, mái dột, vách thủng, nền đất trống trơn. Không khỏi xót xa, thậm chí cảm thấy day dứt khi nghĩ tới sự chênh lệch quá lớn trong điều kiện sống. Tôi tin rằng, cảm xúc đó không của riêng ai. Nhiều nhà hảo tâm đã và đang âm thầm hỗ trợ bà con qua các hoạt động thiện nguyện, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện nhà ở”, ông Phong bày tỏ.
Theo ông Phong, chương trình xóa nhà tạm đã thực sự “chạm tới trái tim người Việt”, được Đảng chỉ đạo, Quốc hội đồng thuận và nhân dân ủng hộ rộng rãi. Đó không chỉ là mệnh lệnh từ trái tim, mà còn là mệnh lệnh của sự phát triển bền vững, là trách nhiệm quốc gia và là giá trị truyền thống ngàn đời.
TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, để chương trình cán đích thành công, nhận được sự đồng thuận và đáp ứng nguyện vọng của người dân, chúng ta cần: sửa chữa phải thuận lợi cho sinh kế, phù hợp nguyện vọng và quy hoạch địa phương. Việc tái định cư không thể đặt người dân vào những nơi khiến họ mất đi sinh kế.
Cùng với đó, thiết kế nhà ở phải phù hợp văn hóa, thói quen sinh hoạt, không thể làm qua loa để lấy thành tích; Người dân phải được tham gia trực tiếp vào quy trình, từ giám sát đến góp ý, cùng với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… để hỗ trợ các đối tượng yếu thế, người già; Giám sát xã hội chặt chẽ để tránh thất thoát, đảm bảo chất lượng và tính minh bạch; Cần sớm ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn quốc gia về nhà ở xã hội, tránh tình trạng xây theo kiểu "bố thí", thiếu hiệu quả, gây lãng phí hoặc lợi ích nhóm.
“Ưu tiên nguồn lực, tiến độ thi công trước mùa mưa bão là cực kỳ quan trọng, để đảm bảo chất lượng nhà ở và an toàn cho người dân. Nếu chương trình này thành công, nó không chỉ là điểm nhấn cho năm 2025 mà còn là một "dấu son" trong hành trình phát triển xã hội của Việt Nam, là món quà thiết thực, ý nghĩa để mừng Đại hội Đảng lần thứ 14 và kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước”, ông Nguyễn Minh Phong cho hay.
Không còn nhà tạm: An cư để phát triển bền vững
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp tại Học viện Tài chính cho biết, chương trình xóa nhà dột nát, nhà tạm cho người nghèo và các hộ có hoàn cảnh khó khăn là một vấn đề cấp thiết và mang tính thời sự. Mục tiêu đặt ra là từ nay đến cuối năm, không còn tồn tại những căn nhà dột nát, tạm bợ, góp phần bảo đảm đời sống ổn định cho người dân.
Theo ông Thịnh, với sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, thời gian qua, chúng ta đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột. Việc này không chỉ giúp người dân an cư, ổn định đời sống mà còn tạo nền tảng để phát triển sinh kế bền vững.

Theo PGS. Đinh Trọng Thịnh, để đẩy nhanh tiến độ, cần có sự kết nối chặt chẽ từ địa phương đến trung ương, cũng như giữa các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm. Bản thân các thôn, bản, làng, xã phải chủ động trong công tác thống kê, dự toán, lập danh sách hộ cần hỗ trợ. Các doanh nghiệp xây dựng cần có kế hoạch cụ thể, phối hợp với chính quyền địa phương và người dân để triển khai hiệu quả. Sự chung tay này sẽ thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ hơn của khu vực tư nhân vào quá trình xây dựng nhà ở cho người nghèo. Đây là những khoản đầu tư không nhằm mục đích sinh lợi, mà xuất phát từ tinh thần trách nhiệm với cộng đồng và mong muốn góp phần vào sự phát triển của địa phương.
Để thu hút sự tham gia rộng rãi hơn từ các nhà đầu tư tư nhân vào lĩnh vực nhà ở xã hội và xóa nhà tạm, nhà dột, theo ông Thịnh, yếu tố then chốt là sự công khai, minh bạch và tạo dựng niềm tin. Kinh phí đóng góp cần được chuyển trực tiếp đến tay người thụ hưởng, đảm bảo không thất thoát, không bị trùng lặp trong hỗ trợ.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng, việc xóa đói, giảm nghèo phải hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng sống trong tương lai.
“Xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ là giải pháp an sinh vật chất, mà còn là một cuộc cách mạng mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống tốt đẹp “lá lành đùm lá rách” của dân tộc. Sự tham gia của khu vực tư nhân, cùng với các chính sách ưu đãi, sự minh bạch và đồng lòng từ cộng đồng sẽ là nền tảng để chương trình lan tỏa rộng khắp và đạt hiệu quả bền vững”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.