
Đến nay, tỉnh đã khởi công xây dựng mới, sửa chữa đạt khoảng 8.000 căn nhà, trong đó, hơn 7.000 căn đã hoàn thành và bàn giao cho người dân, mang đến niềm vui và thắp lên niềm hy vọng, nguồn động lực để hộ nghèo, cận nghèo phấn đấu vươn lên, phát triển kinh tế gia đình.
Bà Lê Thị Nhớ, ở ấp Saintard, xã Tân Thạnh, huyện Long Phú chia sẻ: "Lúc trời mưa, các con lo lắng sợ trời mưa, nhà bị dột ướt hết đồ trong nhà. Nhiều hôm đi học mà thấy trời mưa, dù chưa hết tiết học thì các con lại xin thầy chạy về để đậy đồ rồi trở lại học tiếp, bởi vì mùng mền chiếu không đậy mưa ướt hết tối không có chỗ ngủ. Giờ được căn nhà các con nói: mừng quá trời mừng rồi mẹ ơi, mừng đến ngủ không được luôn".
Mỗi lần nhớ lại thời gian sống trong căn nhà xiêu vẹo, dột nát, sự vất vả những lúc trời mưa to, gió lớn luôn là nỗi ám ảnh của gia đình. Theo bà Nhớ, gia đình đông con nên mẹ của bà chỉ chia cho được khu đất ở xây nhà. Không đất sản xuất nên dù đã mưu sinh đủ nghề cũng chỉ giúp gia đình nuôi con học mà không thể sửa lại căn nhà đã xuống cấp sau nhiều năm xây dựng. Cuối năm ngoái, từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, gia đình được xét hỗ trợ xây dựng căn nhà tươm tất.
Trong căn nhà còn thơm mùi vôi mới, bà Nhớ không giấu nổi cảm xúc vui mừng. Được Nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng, cùng với số tiền gần 15 triệu đồng mượn người thân, bà đã xây được ngôi nhà mới. Năm rồi, 2 đứa con bà cũng đã học hết lớp 12 và đã xin vào công ty may làm, lương một tháng hơn 7 triệu đồng cũng phụ giúp được kinh tế cho gia đình, cuộc sống sắp tới sẽ đỡ vất vả hơn. Bà Nhớ, cho biết thêm: "Nhà nhà nước hỗ trợ cũng phấn khởi, cố gắng làm ăn để hướng tới làm giàu giồng bà con, ráng mần ăn, các con nói mẹ cố gắng lên, con cũng cố gắng để vượt khó khăn, cải thiện đời sống giống bà con xung quanh".
Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là một chủ trương lớn của Đảng và nhà nước mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm, chăm lo thiết thực của các cấp uỷ, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn xã hội đối với các đối tượng có khó khăn về nhà ở. Từ đó, khích lệ, là động lực, đảm bảo an cư để các hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Như gia đình bà Thạch Thị Thương, hộ dân tộc Khmer ở ấp Phước Quới, xã Phú Tân, huyện Châu Thành vừa được nhà nước hỗ trợ căn nhà mới trị giá 60 triệu đồng. Căn nhà này trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát giúp bà Thương biến ước mơ có nơi an cư lạc nghiệp trở thành hiện thực. Bà Thương vui mừng nói: "Nhà dột khắp nơi khi trời mưa, tôi phải lấy tấm cao su để che, giờ nhà nước hỗ trợ có nhà mới yên tâm rồi, không còn lo sợ mưa dột ướt con cái nữa, mỗi lần đi làm về lo lắm vì nhà cửa xuống cấp hết rồi do xây lâu rồi, giờ cảm ơn nhà nước hỗ trợ, không còn lo chuyện nhà cửa nữa".

Qua rà soát, toàn tỉnh Sóc Trăng dự kiến hỗ trợ xóa nhà tạm nhà dột nát cho gần 9.000 hộ, tập trung ở các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, hộ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia với tổng kinh phí thực hiện là trên 464 tỷ đồng. Tính đến nay, tỉnh đã khởi công xây dựng mới, sửa chữa khoảng 8.000 căn nhà, trong đó, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trên 7.000 căn. Nhiều địa phương trong tỉnh đã triển khai hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Ông Lê Hồng Phong, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã Tân Thạnh, huyện Long Phú cho biết, xã có trên 50 hộ cần được xóa nhà tạm, nhà dột nát. Với sự quyết tâm của địa phương, đến cuối tháng 3 vừa qua, tất cả căn nhà đã được xây dựng hoàn thành: "Trong thời gian xây dựng, Ban chỉ đạo cũng phân công thành viên xuống hỗ trợ cũng như là giám sát xây dựng căn nhà, những căn nhà nào mà khó khăn về khâu vận chuyển cũng cho đoàn thể, đoàn thanh niên xuống hỗ trợ tiếp để bà con sớm hoàn thành được căn nhà".

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn luôn nhấn mạnh, việc triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát cho gia đình có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện trách nhiệm và đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa”, “Thương người như thể thương thân”, góp phần mang lại mái ấm tình thương cho người có công, người nghèo, người yếu thế để không ai bị bỏ lại phía sau.
Ông Lâm Văn Mẫn cho biết, thời gian qua, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đã rất nỗ lực trong triển khai chương trình. Lồng ghép và sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hoá để xây dựng, sửa chữa nhà ở bảo đảm hiệu quả, đúng quy định. Thường xuyên giám sát theo dõi quá trình xây dựng bảo đảm chất lượng, an toàn.
Bên cạnh đó, huy động cán bộ, công chức viên chức, lực lượng vũ trang tham gia hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh cũng như vận động, phân công đoàn viên, hội viên, thanh niên, phụ nữ và cả hộ gia đình xung kích, tình nguyện tham gia hỗ trợ ngày công, vận chuyển vật liệu xây dựng nhà cho các đối tượng thuộc chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát để quyết tâm đến ngày 30/6 tới hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.