
Mắc COVID-19 cũng như cúm mùa
Bạn Nguyễn Mai Anh (27 tuổi, Hà Nội) xuất hiện tình trạng khó thở, sốt, mệt mỏi từ ngày 19/5. Ban đầu Mai Anh nghĩ là cảm cúm thông thường. Khi thấy thông tin số ca mắc COVID ở thế giới và trong nước tăng lên, nên em nhờ người nhà mua que test COVID và đã cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Khi biết mình mắc COVID-19, Mai Anh đã gọi ngay cho y tế phường để hỏi về trường hợp của mình và được thông báo về việc tự cách ly tại nhà chứ không chăng dây, gắn biển cách ly như các năm trước.

Được giải thích, Mai Anh hiểu rằng, COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm B chứ không phải A như trước và nó cũng như bệnh cảm cúm thông thường. Vì thế nhân viên y tế phường khuyên em nên điều trị theo triệu chứng.
“Em thấy lần này nhẹ hơn lần trước. Nếu như những năm bùng phát dịch (2020, 2021), em mệt đến nỗi không đứng được, ăn không có vị, mũi không ngửi được. Lần này vị giác và khứu giác vẫn bình thường, chỉ sổ mũi, người mỏi ê ẩm, vẫn chưa cắt được cơn sốt”, Mai Anh cho biết.
Sau 5 ngày tự cách ly và điều trị tại nhà, Mai Anh đã cắt cơn sốt, em chỉ còn tình trạng đau họng nhẹ.
Biến chủng Omicron XEC nguy hiểm như thế nào?
Từ ngày 1/1 đến 14/5, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 71.067 ca mắc COVID-19, trong đó có 19 ca tử vong. Số ca bệnh tăng nhanh từ sau kỳ nghỉ Tết Songkran giữa tháng 4.
Khoảng 80% số ca tử vong là người lớn tuổi có bệnh lý nền. Bên cạnh đó các chuyên gia y tế Thái Lan phát hiện chủng virus lây lan nhiều trong thời gian qua là Omicron XEC.
Theo PGS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế Công cộng, Trường đại học Y Dược TP.HCM, biến chủng Omicron XEC được xem là chủng khá mới, tuy nhiên nó đã xuất hiện trên thế giới hơn một năm nay. Biến chủng này là tổ hợp của các biến chủng cũ như biến chủng KS1.1 và biến chủng KP3.3.
Về tốc độ lây lan, Omicron XEC có ưu thế lây lan nhanh hơn so với biến chủng cũ, bởi nó có đột biến tránh được sự tấn công của kháng thể. Do đó số người nhiễm biến chủng mới cao hơn và có khuynh hướng tăng dần ở một số nơi trên thế giới.
Theo PGS Đỗ Văn Dũng có một số khảo cứu cho thấy biến chủng Omicron XEC có một số đặc điểm đặc thù như triệu chứng đỏ họng và khó nuốt. Ngoài ra có một số triệu chứng như các biến thể khác như nghẹt mũi, sổ mũi, đau họng, có thể ho, sốt, nhức mỏi và đau cơ.

Cần làm gì khi mắc COVID-19?
Theo ông Dũng, hiện nay COVID-19 đã chuyển từ nhóm A sang nhóm B, tức là mức độ nguy hiểm thấp hơn. Về mặt quản lý, không nhất thiết có hình thức cách ly cưỡng bức với người nhiễm COVID-19 nữa.
“Điều này có nghĩa là, nếu chúng ta thực hiện theo biện pháp xét nghiệm hoặc hạn chế trong vấn đề sinh hoạt, tiếp xúc là vấn đề y tế cá nhân, chứ không phải vấn đề y tế bắt buộc nữa”, ông Dũng cho biết.
Do đó, theo ông Dũng, nếu nghi ngờ mắc COVID-19 mà không có triệu chứng quá nặng và đặc biệt không phải người có bệnh nền hoặc quá lớn tuổi, thì chúng ta hoàn toàn có thể tự cách ly ở mức độ vừa phải, tránh lây lan cho những người xung quanh, tránh ho, hắt xì trước mặt mọi người. Thực hiện đeo khẩu trang ở nơi đông người.
Ngoài ra cá nhân chúng ta cũng cần chế độ nghỉ ngơi phù hợp. Điều trị theo triệu chứng, nếu sốt thì dùng hạ sốt, ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng.
Ông Dũng lưu ý, với những người có bệnh nền, hoặc lớn tuổi hoặc bệnh có khả năng diễn tiến nặng thì việc tới cơ sở y tế xét nghiệm kịp thời là điều cần thiết.
“Bởi người có bệnh nền điều trị ở bệnh viện có 2 ý nghĩa. Đầu tiên là người bệnh có thể được điều trị thuốc kháng virus. Loại thuốc này giúp làm giảm nguy cơ diễn biến của bệnh. Thứ hai, các cơ sở y tế sẽ có các điều trị giúp làm giảm các cơn kịch phát của bệnh nền, ví dụ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ngoài ra, nếu cơ thể có bệnh nặng thì cơ sở y tế sẽ phát hiện ngay tiến triển xấu của bệnh, từ đó có thể can thiệp kịp thời”, ông Dũng nhấn mạnh.
Tự cách ly để bảo vệ người có nguy cơ cao
Theo ông Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh, đơn vị vẫn tiếp tục theo dõi diễn biến của bệnh từ các nước trong khu vực và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để từ đó đưa ra các khuyến cáo kịp thời nếu xuất hiện biến thể mới lây lan nhanh, gây bệnh nặng.
"Cho đến nay cục chưa nhận được khuyến cáo mới của WHO về việc phòng ngừa COVID-19. Các biện pháp phòng bệnh vẫn được thực hiện như trước đó. Tuy nhiên, trong bối cảnh các nước có số ca mắc tăng cục cũng có khuyến cáo người dân đi từ các quốc gia đang có dịch COVID-19 chủ động theo dõi sức khỏe, khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh hoặc có biểu hiện bệnh chuyển nặng cần đến cơ sở y tế để được điều trị", ông Sơn cho hay.
Về việc người dân khi nghi ngờ mắc bệnh, tự xác định mắc COVID-19, theo lãnh đạo Cục Phòng bệnh vẫn cần chủ động cách ly để tránh lây nhiễm cho người có nguy cơ cao, hệ miễn dịch suy giảm như trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ có thai và người mắc bệnh nền.
Theo hướng dẫn giám sát và phòng chống COVID-19 của Bộ Y tế, người mắc COVID-19 khi điều trị ngoại trú phải đeo khẩu trang, nên tự cách ly tại nơi lưu trú ít nhất 5 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên hoặc từ khi có kết quả xét nghiệm dương tính và nên đeo khẩu trang hết ngày thứ 10 để tránh lây nhiễm cho người khác.
Nếu cần rời khỏi nơi lưu trú, cần tuân thủ đeo khẩu trang, thường xuyên khử khuẩn tay, hạn chế tiếp xúc với người khác.
Người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với người bệnh phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh; hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Bên cạnh đó thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; vệ sinh khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, các thiết bị cầm tay, bồn cầu, bồn rửa... hằng ngày và khi dây bẩn; giữ thông thoáng, vệ sinh nơi lưu trú.