Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Điện hạt nhân trở thành chiến lược quốc gia

Phi Long/VOV.VN | 15/05/2025, 15:30

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam có kế hoạch làm chủ ngành hạt nhân, dần hình thành ngành công nghiệp hạt nhân. Điện hạt nhân trở thành chiến lược quốc gia và cần có lộ trình phát triển.

Thay mặt cho cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng trân trọng cảm ơn các ý kiến rất tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội đã dành cho Luật Năng lượng nguyên tử.

Công nghệ điện hạt nhân thế hệ 3+ trở lên

Bộ trưởng cho biết, tại phiên thảo luận tại tổ ngày 6/5 đã có 56 ý kiến phát biểu. Bộ đã nghiên cứu kỹ và đã có bản giải trình tiếp thu gửi Quốc hội. Tại hội trường hôm nay có 10 đại biểu phát biểu, các ý kiến đều rất sâu sắc và cụ thể.

Giải trình, làm rõ thêm một số nhóm vấn đề, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, điện hạt nhân trở thành chiến lược quốc gia và cần có lộ trình phát triển. Điện hạt nhân được coi là điện xanh và điện nền, theo xu hướng chung của quốc tế thì điện hạt nhân sẽ chiếm khoảng 10-30%. tổng điện quốc gia.

Sau thời kỳ thoái trào cách đây khoảng 10 đến 15 năm, hiện nay điện hạt nhân trở lại như một chiến lược quốc gia vì các nước đều muốn tự chủ năng lượng, đạt trung hòa carbon và tái định vị công nghệ quốc gia.

Công nghệ điện hạt nhân hiện nay là thế hệ 3+ và đặc biệt là thế hệ thứ tư có độ an toàn rất cao. Điện hạt nhân là đối tượng quan trọng nhất của dự thảo luật cả về phương diện phát triển ứng dụng và quản lý an toàn an ninh.

Thứ hai, hoạt động bảo đảm an toàn trong phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử nói chung và an toàn hạt nhân nói riêng sẽ do một cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thống nhất quản lý.

Để đảm bảo an toàn bức xạ và hạt nhân, tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế, nhất là IAEA, bao gồm cả việc cấp phép an toàn hạt nhân trong mọi giai đoạn của nhà máy điện hạt nhân.

Bộ Khoa học Công nghệ đã cử 1 đoàn để tham vấn cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế. Về cơ bản, IAEA đã kết luận các quy định về an toàn bức xạ, an toàn an ninh và thanh sát hạt nhân của dự thảo luật đã đảm bảo các nguyên tắc của IAEA.

Xin cơ chế đặc biệt trong chỉ định thầu

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, để triển khai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam được thuận lợi. Dự thảo luật cho phép sử dụng các biện pháp đặc biệt để triển khai nhanh như áp dụng cơ chế đặc biệt trong chỉ định thầu, sử dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn của người bán và dự án có các khoản chi cho thẩm định và đào tạo, một số ưu đãi đặc thù khác của Nghị quyết 198 sẽ được thể hiện ở các văn bản pháp luật khác.

Đối với việc quản lý an toàn bức xạ hạt nhân toàn bộ vòng đời qua nhiều giai đoạn của nhà máy hạt nhân, Bộ trưởng cho biết, từ khâu chọn vị trí, nghiên cứu khả thi đến các giai đoạn sau cùng là đóng cửa, sau đóng cửa nhà máy điện hạt nhân.

“Các giai đoạn đều có thẩm định về an toàn bức xạ hạt nhân đủ điều kiện để làm tiếp các công đoạn sau. Ví dụ như đủ điều kiện để tiến hành xây dựng, đủ điều kiện để vận hành thử và vận hành chính thức. Đây là cách tiếp cận toàn diện theo kinh nghiệm quốc tế và là cần thiết”, Bộ trưởng nói.

Về bảo đảm an toàn, an ninh cho các cơ sở hạt nhân trong đó có nhà máy điện hạt nhân. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, bộ trưởng khẳng định, dự thảo luật đã thiết kế thành một chương riêng về an toàn, an ninh cơ sở hạt nhân. Một chương riêng về nhà máy điện hạt nhân trong đó duy trì hoạt động giám sát thường xuyên của cơ quan quản lý an toàn bức xạ hạt nhân trong suốt vòng đời của nhà máy.

Xây dựng các biện pháp và năng lực ứng phó sự cố, xây dựng văn hóa an toàn, an ninh hạt nhân và ứng dụng năng lượng nguyên tử, năng lượng hạt nhân sẽ ngày một rộng rãi trong nhiều mặt của đời sống xã hội.

“Dự thảo luật đáp ứng khung pháp lý cho quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, bao gồm phát triển ứng dụng và đặc biệt là bảo đảm an toàn, an ninh. Nguyên tắc đảm bảo an toàn, an ninh đã được đặt ở mức ưu tiên rất cao trong dự thảo luật, được thể hiện xuyên suốt trong từng đối tượng quản lý, từ nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ cho đến vật liệu hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, bổ sung quy định về danh mục hàng hóa phải kiểm xạ khi nhập khẩu”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dự thảo luật có một chương riêng về bồi thường thiệt hại bức xạ, thiệt hại hạt nhân và cũng có một chương riêng về xử lý chất thải phóng xạ và giao cho Chính phủ các quy định chi tiết.

“Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ nghiên cứu và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc bổ sung nguyên tắc, về sự tham gia và giám sát của cộng đồng. Thêm vào đó, việc quy định một chương riêng về thanh sát hạt nhân đã thể hiện vai trò phối hợp kiểm soát của IAEA để đảm bảo các hoạt động hạt nhân ở Việt Nam vì mục đích hòa bình cũng như trách nhiệm tuân thủ các cam kết nghĩa vụ quốc tế đặc biệt trong giai đoạn triển khai xây dựng lò phản ứng nghiên cứu mới và sắp tới là dự án điện hạt nhân Ninh Thuận”.

Số hóa toàn bộ quy trình vận hành, đảm bảo an toàn hạt nhân

Để khuyến khích doanh nghiệp tham gia nghiên cứu phát triển công nghệ, công nghiệp trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử để giảm gánh nặng đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Bộ trưởng đề nghị Nhà nước có chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, có chính sách ưu đãi trọng dụng chuyên gia trong và ngoài nước, có chính sách ưu đãi và hỗ trợ người được đi đào tạo bồi dưỡng trong lĩnh vực năng lượng, nguyên tử.

Để tiến tới làm chủ công nghệ năng lượng hạt nhân để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, dần hình thành ngành công nghiệp hạt nhân bao gồm nhà máy điện hạt nhân và phát triển lò phản ứng hạt nhân phục vụ nghiên cứu và ứng dụng bức xạ; phát triển tiềm lực nội địa về công nghệ hạt nhân, về chế tạo trang thiết bị phục vụ phát triển ứng dụng năng lượng hạt nhân, quan trắc phóng xạ, đánh giá và thẩm định an toàn.

Bộ trưởng cho biết, trong chiến lược về xây dựng năng lực nội địa hóa giai đoạn đầu tiên thì ưu tiên năng lực chế tạo, trang thiết bị phục vụ phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử, quan trắc phóng xạ, đánh giá và thẩm định an toàn và sau đó là tiến tới năng lực nội địa hóa công nghệ hạt nhân tại Việt Nam,.

Cuối cùng là chuyển đổi số toàn diện công tác quản lý ứng dụng năng lượng nguyên tử, năng lượng hạt nhân, đẩy mạnh phân cấp về quản lý cho các địa phương theo mức độ rủi ro của nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ trên phương diện an toàn và an ninh; xây dựng hệ thống năng lực quản trị và cơ sở dữ liệu quốc gia về ứng dụng năng lượng nguyên tử đảm bảo an toàn, an ninh.

Nhà nước đầu tư nền tảng số về an toàn bức xạ hạt nhân là môi trường quản lý và tác nghiệp chính thức để thống nhất quản lý việc khai thác, cấp giấy phép, giấy đăng ký, chứng chỉ kiểm soát đăng ký chứng chỉ kiểm soát xuất nhập khẩu, thiệt hại hạt nhân và vật liệu phóng xạ quản lý nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, quan trắc phóng xạ và các báo cáo chuyên ngành khác trên môi trường số.

Bộ trưởng cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội để nghiên cứu, rà soát, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo luật nhằm đảm bảo Luật Năng lượng nguyên tử có tính thực tiễn, khả thi, giải thích từ ngữ đảm bảo chính xác nội dung luật để thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.

Bài liên quan
Iran sẵn sàng ký thỏa thuận hạt nhân nếu Mỹ dỡ bỏ trừng phạt
Tehran sẵn sàng thỏa thuận hạt nhân với Mỹ, từ bỏ uranium làm giàu cao để đổi lấy việc dỡ bỏ trừng phạt, tạo tiền đề cho quan hệ mới.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Chủ tịch nước Lương Cường dự Lễ tuyên dương cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc
Chủ tịch nước Lương Cường dự Lễ tuyên dương cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ X diễn ra vào sáng ngày 15/5 tại Nhà hát Hồ Gươm.
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp