Nam sinh 19 tuổi ở Hà Nội đang tham gia học quân sự tại một cơ sở huấn luyện thì sốt cao liên tục và đau đầu âm ỉ. Nghĩ chỉ là cảm cúm do thay đổi thời tiết, nên người này uống thuốc hạ sốt nhưng các triệu chứng không thuyên giảm.
Sáng hôm sau, sốt chưa hạ, nam sinh đến viện kiểm tra. Kết quả test nhanh cho thấy dương tính với COVID-19. “Tôi bất ngờ vì trước đó không ho, không đau họng, chỉ sốt và đau đầu”, nam sinh nói.
Bệnh nhân được đưa vào khu điều trị riêng tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) và theo dõi sát sao. Sau ba ngày điều trị, tình trạng sốt chấm dứt, sức khỏe dần ổn định, ăn uống bình thường trở lại.

Ca COVID-19 tăng trở lại
Năm ngày trước, cụ bà 73 tuổi ở Hà Nội đang nằm trên ghế sofa thì bất ngờ choáng váng, mệt mỏi, không thể đứng dậy hay tự đi lại, tiểu tiện không kiểm soát.
Cụ bà có tiền sử tiểu đường, ban đầu các bác sĩ nghi ngờ tình trạng tụt đường huyết hoặc biến chứng thần kinh do bệnh nền. Tuy nhiên, trong quá trình thăm khám và xét nghiệm, kết quả test nhanh cho thấy cụ bà dương tính với COVID-19.
Bệnh nhân không có triệu chứng hô hấp rõ ràng, chỉ mệt, suy kiệt toàn thân – điều dễ khiến gia đình chủ quan. Sau 5 ngày theo dõi và điều trị tích cực, sức khỏe người bệnh cải thiện, tỉnh táo, ăn uống được và có thể ngồi dậy.
Bác sĩ Trần Quốc Khánh, Đơn nguyên truyền nhiễm, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, tuần qua, số ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng dần. Từ đầu tháng 5 đến nay, đơn vị tiếp nhận 12 ca nhiễm, trong đó 7 người vẫn đang được điều trị tại viện.
“Số lượng bệnh nhân COVID-19 bắt đầu nhích lên từng tuần, với tốc độ rõ rệt hơn trong khoảng một tuần trở lại đây”, bác sĩ Khánh nói. Hầu hết các ca nhập viện đều xuất hiện triệu chứng viêm long đường hô hấp trên như ho, hắt hơi, chảy nước mũi, đau rát họng và khó thở. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chưa ghi nhận trường hợp nào có biểu hiện quá nặng.
Các bệnh nhân được chỉ định điều trị nội trú đều nằm trong nhóm nguy cơ cao, chủ yếu là người trên 60 tuổi, có bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc suy giảm miễn dịch. “Một trường hợp phải hỗ trợ oxy do suy hô hấp”, bác sĩ Khánh nói.
Các bệnh viện khác trên địa bàn thủ đô cũng ghi nhận số ca COVID-19 tăng. Bệnh viện Nhi Hà Nội tiếp nhận tới 18 trẻ nhập viện vì COVID-19 trong ngày 19/5, nâng số bệnh nhi mắc bệnh từ đầu năm đến nay lên hơn 100 ca.
TS.BS Đỗ Thị Thúy Nga, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, chưa ghi nhận trường hợp nguy kịch phải thở máy nhưng nhiều trẻ có biến chứng viêm phổi. “Phần lớn trẻ nhỏ hiện chưa được tiêm vaccine do trước đây chỉ định tiêm chủ yếu áp dụng cho nhóm trên 5 tuổi”, bác sĩ Nga nói.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, mỗi ngày vẫn rải rác ghi nhận ca mắc mới. Một vài bệnh nhân phải thở máy, tuy nhiên chưa có ca nào phải can thiệp ECMO như thời kỳ dịch cao điểm. Các khu điều trị riêng vẫn được duy trì nhằm tránh lây nhiễm chéo.
Tính trên toàn quốc, ba tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 tăng nhẹ, trung bình khoảng 20 ca mỗi tuần. Tổng cộng từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận gần 200 ca rải rác tại nhiều tỉnh, nhiều nhất tại TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Bắc Ninh và Quảng Ninh.
Theo Bộ Y tế, đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5 với tần suất đi lại, tập trung đông người là nguyên nhân khiến dịch có nguy cơ lan rộng trở lại. Dù vậy, tình trạng bệnh nặng ít khả năng xảy ra do biến thể hiện nay không còn gây triệu chứng nghiêm trọng như trước.

Chuẩn bị cách ly, điều trị thế nào?
Để ứng phó, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) phát công văn khẩn yêu cầu các bệnh viện cập nhật lại kế hoạch thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19. Các đơn vị phải chuẩn bị khu cách ly, bổ sung vật tư, thiết bị, đồng thời tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, đặc biệt tại các khoa hồi sức, tim mạch, phẫu thuật – nơi có nhiều bệnh nhân nền, nguy cơ cao.
Cục cũng nhấn mạnh việc sắp xếp khoa phòng hợp lý, vệ sinh bệnh viện kỹ lưỡng để đảm bảo hoạt động điều trị trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, việc lập khu cách ly không có nghĩa là trở lại thời kỳ tập trung cách ly như trước. Các bệnh viện chỉ cần bố trí 1-2 phòng riêng để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nhằm bảo vệ những người đang mắc bệnh nặng khác.
“Giống như cúm, thủy đậu hay sởi – những bệnh truyền nhiễm nhóm B – COVID-19 hiện là bệnh lưu hành, phải cách ly tại khoa truyền nhiễm để hạn chế lây lan trong cộng đồng”, đại diện Cục Khám chữa bệnh giải thích.
Cục cũng đang theo dõi sát diễn biến COVID-19 tại các nước trong khu vực và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để có khuyến cáo kịp thời nếu xuất hiện biến thể mới lây nhanh, gây bệnh nặng. Hiện chưa có khuyến cáo mới nào từ WHO, các biện pháp phòng bệnh vẫn duy trì như trước.
Bộ Y tế khuyến cáo người trở về từ các vùng dịch cần tự theo dõi sức khỏe, khi có triệu chứng hoặc bệnh trở nặng cần đến cơ sở y tế ngay. Với bệnh nhân điều trị ngoại trú, cần tự cách ly tại nơi lưu trú ít nhất 5 ngày từ khi xuất hiện triệu chứng hoặc có kết quả dương tính, đeo khẩu trang đến hết ngày thứ 10, tránh tiếp xúc người khác.
Người chăm sóc bệnh nhân cũng phải đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc, rửa tay thường xuyên, khử khuẩn vật dụng và giữ nơi ở thông thoáng.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, nhận định COVID-19 không biến mất, sẽ có lúc tăng lúc giảm và có thể mang tính chu kỳ như cúm. Ông khuyến cáo người dân không quá lo lắng, nhưng cũng không được chủ quan.
“Điều quan trọng là ngành y tế phải luôn sẵn sàng. Khi có diễn biến bất ngờ, hệ thống phải đảm bảo đủ giường bệnh, khu cách ly và kiểm soát lây nhiễm để tránh kịch bản tử vong như trước đây”, ông Phu nhấn mạnh.