Tổng Bí thư Tô Lâm cùng phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm cấp nhà nước Belarus từ 11-12/5, là điểm đến cuối cùng trong chuyến công du.
Nhân dịp này, Đại sứ Belarus tại Việt Nam Uladzimir Baravikou trả lời phỏng vấn báo chí.

Đại sứ Belarus tại Việt Nam Uladzimir Baravikou.
Chuyến thăm tạo động lực đáng kể
- Ông đánh giá thế nào về quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác đa phương giữa Việt Nam và Belarus trong thời gian gần đây, cũng như ý nghĩa chuyến thăm cấp nhà nước sắp tới của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Belarus?
Buổi phỏng vấn hôm nay diễn ra trong bối cảnh đất nước và nhân dân hai nước chúng ta đang kỷ niệm những ngày lễ lịch sử quan trọng: Việt Nam kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kỷ niệm chiến thắng vẻ vang của nhân dân Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và chúng tôi kỷ niệm 80 năm Chiến thắng của nhân dân Liên Xô trước quân Đức Quốc xã. Chiến thắng đã trở thành động lực cho sự trỗi dậy của phong trào giải phóng dân tộc và sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa, sự xuất hiện của các quốc gia mới trên bản đồ ở Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Tô Lâm, tới Belarus vào đúng dịp diễn ra những chiến thắng to lớn mang ý nghĩa rất tượng trưng. Tôi tin chắc rằng điều này sẽ mở ra một trang mới trong lịch sử quan hệ giữa hai nước chúng ta. Mối quan hệ dựa trên truyền thống hữu nghị, tin cậy, giúp đỡ và hiểu biết lẫn nhau, được thiết lập từ thế kỷ trước, trong chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Minsk vào năm 1957 và 1961.

Đại sứ Belarus tại Việt Nam Uladzimir Baravikou và Tổng Bí thư Tô Lâm. (Ảnh: TTXVN)
Tình bạn của chúng ta được thử thách qua thời gian và những khó khăn khắc nghiệt. Người Belarus cùng với các dân tộc khác ở Liên Xô cũ góp phần vào chiến thắng của nhân dân Việt Nam trước đế quốc Mỹ và công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh. Hàng nghìn người Việt Nam học tập và làm việc tại đất nước chúng tôi. Xe máy Minsk và máy kéo Belarus được in trên tờ tiền 200 đồng (cũ) đã trở thành huyền thoại.
Chúng ta không dừng lại ở đó và vẫn tiến về phía trước. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể trở nên mạnh mẽ hơn cùng nhau. Và các nhà lãnh đạo hai nước chúng ta, Tổng thống Cộng hòa Belarus A.G. Lukashenko và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm, đều chân thành nỗ lực đưa quan hệ giữa hai nước lên một tầm cao mới.
Tôi tin tưởng rằng chuyến thăm của đồng chí Tô Lâm và cuộc gặp với Tổng thống A.G. Lukashenko sẽ tạo động lực đáng kể cho sự phát triển quan hệ nhiều mặt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại và nhân đạo, đồng thời đóng phần lớn vào việc tăng cường tình hữu nghị, lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước chúng ta.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Phó Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Belarus Anatoly Sivak đồng chủ trì Khóa họp lần thứ 16 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Belarus về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học – kỹ thuật. (Ảnh: TTXVN)
Gõ cửa tiềm năng hợp tác
- Theo ông, hai bên cần có những biện pháp gì để tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, phù hợp với quan hệ chính trị cấp cao và nguyện vọng của nhân dân hai nước?
Có nhiều lĩnh vực mà Belarus và Việt Nam có thể tăng cường và mở rộng hợp tác cùng có lợi.
Lĩnh vực trọng tâm là thương mại và kinh tế. Như Tổng thống Belarus A.G. Lukashenko đã nói: “Nền kinh tế là ưu tiên hàng đầu. Một nền kinh tế mạnh là điều cần thiết để đảm bảo tính bền vững và an ninh của đất nước". Tôi chắc chắn những lời này mang tính thời sự đối với mọi quốc gia.
Hệ thống kinh tế của Belarus và Việt Nam có tính bổ sung cho nhau. Chúng ta không phải là đối thủ cạnh tranh mà là đối tác.
Ngoài các hoạt động trao đổi hàng hóa – và phạm vi sản phẩm cung cấp cho thị trường của các quốc gia đang mở rộng ở cả hai bên – cần phải chú ý đáng kể đến các vấn đề hợp tác công nghiệp để vượt qua khoảng cách địa lý và tránh rào cản hậu cần.
Cần gia nhập thị trường với một sản phẩm có tính cạnh tranh và ứng dụng khoa học cao. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ với các bạn Việt Nam công nghệ và bí quyết trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dược phẩm, số hóa và sản xuất thực phẩm. Chúng tôi cũng sẵn sàng tiếp tục thực hiện các chương trình giáo dục.
Belarus đã gia nhập câu lạc bộ các quốc gia có năng lượng hạt nhân. Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên được xây dựng và đang hoạt động thành công ở đây. Chương trình không gian đang được triển khai, một số vệ tinh đã được phóng. Vào tháng 3/2024, phi hành gia người Belarus đầu tiên Marina Vasilevskaya bay lên Trạm vũ trụ quốc tế. Đây là những lĩnh vực hợp tác đầy hứa hẹn với Việt Nam.
Chúng ta cần những điểm hỗ trợ mới để có thể phát triển tình bạn. Vì thế, điều quan trọng là chúng ta phải giao tiếp thường xuyên hơn. Việc xây dựng các mối quan hệ giữa các cá nhân, tổ chức các sự kiện văn hóa và thực hiện các dự án giáo dục cho phép chúng ta trở nên gần gũi hơn và hiểu nhau hơn. Hiện nay, bạn có thể đến thăm đất nước chúng tôi mà không cần thị thực. Chúng ta cần tận dụng lợi thế này. Chúng tôi cũng hy vọng có thể khai trương các chuyến bay thẳng trong tương lai gần.
Và quan trọng nhất, để tiến lên thành công, cần phải thực hiện vô điều kiện ý chí chính trị và các thỏa thuận của các nhà lãnh đạo quốc gia chúng ta.
Tôi thực sự tin tưởng rằng chúng ta có triển vọng hợp tác to lớn và tình hữu nghị truyền thống, chân thành giữa nhân dân hai nước chính là nền tảng để quan hệ Belarus-Việt Nam tiếp tục phát triển năng động.

Phó Thủ tướng Belarus dự Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam.
Dân tộc Việt Nam thông minh, chăm chỉ và chân thành
- Ấn tượng của ông về Việt Nam?
Việt Nam là một đất nước tuyệt vời. Vẻ đẹp của thiên nhiên và các di tích kiến trúc rất ấn tượng và lưu lại trong trí nhớ tôi trong một thời gian dài. Vịnh Hạ Long và quần thể danh thắng Tràng An là những danh thắng văn hóa và thiên nhiên được công nhận. Các khu nghỉ dưỡng ở Việt Nam hấp dẫn du khách với làn nước biển ấm áp và bãi biển tuyệt đẹp, dịch vụ cao cấp và giá cả phải chăng.
Tôi thấy được người Việt Nam là dân tộc thông minh, chăm chỉ và chân thành. Trong điểm này chúng ta rất giống nhau. Chúng tôi cởi mở, chăm chỉ và hiểu khách. Chúng tôi cũng rất ấn tượng với sự thân thiện, hiếu khách và lạc quan của các bạn. Thời tiết ấm áp nhiều nắng cũng có thể góp phần vào năng lượng đó. Hoặc có thể sau khi lịch sử Việt Nam trải qua quá nhiều đau thương, bi kịch, các bạn, đặc biệt là thế hệ trẻ có thể hiểu và sẵn sàng cởi mở với những cảm xúc tích cực, với những mối quan hệ mới và các dự án mới đầy hứa hẹn, bao gồm cả với người Belarus.
Cộng hòa Belarus nằm ở phía đông châu Âu, tiếp giáp với Nga, Ba Lan, Ukraine, Latvia và Litva, với diện tích 207.600 km và dân số khoảng 9,2 triệu người người (trong nước).
Belarus là nước có tiềm lực công nghiệp, nông nghiệp, khoa học, giáo dục và quốc phòng, đứng thứ 3 trong số các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Belarus bao gồm phân bón, các sản phẩm từ dầu mỏ, máy kéo, xe tải, sợi bông, săm lốp, đồ gỗ… Các mặt hàng nhập khẩu bao gồm dầu thô, các sản phẩm từ dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, khí hóa lỏng, kim loại và các sản phẩm từ kim loại, linh kiện máy móc, thiết bị…
Ngày 27/12/1991, Việt Nam công nhận độc lập của Belarus. Ngày 24/1/1992, hai bên ký Nghị định thư thiết lập quan hệ ngoại giao. Các cơ chế hợp tác hiện có: Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật, Ủy ban Hỗn hợp liên Chính phủ về hợp tác kỹ thuật quân sự, Ủy ban hợp tác về khoa học và công nghệ, Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao.