
Chiều ngày 7/5, thảo luận tại tổ, nội dung kỷ luật đối với cán bộ, công chức được nhiều ĐBQH quan tâm khi góp ý Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) cho biết, trong xếp loại cán bộ, công chức hiện nay có 4 mức xếp loại: hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành, không hoàn thành. Nếu 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ, công chức sẽ phải trình lên cấp có thẩm quyền xử lý. Người đứng đầu tổ chức cũng phải chịu trách nhiệm nếu cấp dưới không hoàn thành nhiệm vụ do lỗi của tổ chức.
"Trước đây chúng ta có rất nhiều trường hợp các Bí thư, Chủ tịch xã than phiền về việc cán bộ đảng viên sinh con thứ 3 cán bộ bị xử lý, lãnh đạo cũng bị xử lý theo, ngoài ra. Còn nhiều trường hợp nữa, bản thân lãnh đạo không vi phạm mà cán bộ cấp dưới vi phạm thì cũng không hoàn thành nhiệm vụ", ông Bình nói.

Về xử lý cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ, ông Bình cho biết, tùy theo mức độ, có thể bị cảnh cáo, hạ bậc, buộc thôi việc. Đại biểu nhấn mạnh, việc không hoàn thành nhiệm vụ không phải lúc nào cũng do lỗi của cá nhân, mà có thể do lỗi của tổ chức.
"Tất nhiên về mặt quản lý có lỗi nhưng thực tế cũng có nhiều lỗi ta không thể quản lý được, theo tôi cái này phải nghiên cứu thấu đáo", ông Bình nói.
Ông Bình cũng bày tỏ đồng tình với đề xuất giữ ngạch công chức trong dự thảo Luật: "Việc giữ các ngạch "chuyên viên", "chuyên viên cao cấp" đều có cái lý của nó. Đây là mối quan hệ qua lại với vị trí việc làm, không phải là vì vị trí việc làm mà chúng ta bỏ ngạch công chức và cũng không phải bỏ ngạch công chức là tất cả vị trí việc làm đều giống nhau".
Đại biểu đoàn Quảng Nam đề nghị hướng dẫn, quy định cụ thể ở vị trí việc làm nào thì giữ ngạch công chức. Ông nêu ví dụ, ở vị trí việc làm của công chức cấp xã thì có thể không cần phải có chuyên môn, bằng cấp nhưng cán bộ cấp tỉnh và cấp trung ương thì cần phải có. Các vị trí công việc phức tạp, đòi hỏi trình độ cao thì cần có chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp. Vì vậy, không nên áp dụng cứng nhắc mà cần linh hoạt, phù hợp với yêu cầu công việc.
Về siết chặt kỷ luật đối với cán bộ, công chức bị kết án, Đại biểu Hà Đức Minh (đoàn Lào Cai) cho rằng, dự thảo quy định cán bộ, công chức bị Tòa án kết án phạt tù không hưởng án treo hoặc phạm tội tham nhũng sẽ bị bãi nhiệm hoặc buộc thôi việc.
Đại biểu đề nghị mở rộng quy định, áp dụng cả trường hợp bị kết án phạt tù hưởng án treo. Lý do, theo đại biểu Minh, là theo quy định của Đảng, những trường hợp này thường bị khai trừ, và việc để họ tiếp tục công tác sẽ gây khó khăn trong quản lý, làm giảm uy tín của cơ quan.
"Quy định sửa đổi sẽ đảm bảo tính nghiêm minh, đồng thời gửi thông điệp mạnh mẽ về việc không khoan nhượng với các hành vi vi phạm pháp luật, dù ở mức độ nào" đại biểu Hà Đức Minh nói.
Về kỷ luật và thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho rằng, thời hiệu xử lý kỷ luật được quy định trong Điều 44 dự thảo luật là 5 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 10 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này chưa thật sự thuyết phục.

Bà Yên đề nghị, bất kỳ loại vi phạm nào cũng không nên áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật. Như vậy sẽ công bằng hơn và mang tính răn đe cao hơn.
"Cứ phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật của cán bộ, công chức dù có lâu bao nhiêu đi nữa vẫn phải bị xử lý kỷ luật, chứ không phải là cố giấu giếm đi cho hết thời hiệu xử lý rồi được cho qua. Như vậy, người cán bộ, công chức mới quyết chí giữ cho được cái tâm sáng để phụng sự nhân dân, nhất là khi vụ việc sai phạm sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn hay thực hiện các chế độ tiền lương, tiền thưởng", bà Yên phát biểu.