
Trong chiến dịch tranh cử trước cuộc bầu cử tổng thống năm ngoái, ông Trump từng tuyên bố sẽ kết thúc xung đột ở Ukraine chỉ trong 24 giờ sau khi nhậm chức. Tuy nhiên, sau ít nhất 6 cuộc điện đàm giữa ông Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin, cũng như một loạt cuộc gặp giữa các quan chức Mỹ, Nga và Ukraine, vẫn chưa có thỏa thuận ngừng bắn nào được đưa ra.

Vào tháng 5, Tổng thống Putin đã từ chối tới Istanbul để gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một cuộc đàm phán hòa bình. Thay vào đó, hai nước chỉ cử các phái đoàn cấp thấp hơn và kết quả duy nhất đạt được là thỏa thuận trao đổi tù binh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tiết lộ sẽ đưa ra "tuyên bố quan trọng" về Nga ngày 14/7 và quả thực ông đã có động thái cho thấy sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận cuộc xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng khi thiếu các chi tiết then chốt.
Thông điệp gửi tới Tổng thống Putin
Tại Phòng Bầu dục, trong cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Mark Rutte, ông Trump dường như đã mất kiên nhẫn với việc bị Tổng thống Nga Vladimir Putin “câu giờ”. Nhà lãnh đạo Mỹ đe dọa sẽ áp các biện pháp trừng phạt thuế quan cứng rắn với Nga nếu không đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột trong vòng 50 ngày.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý hơn cả là sự thay đổi lập trường của ông Trump đối với việc viện trợ vũ khí cho Ukraine. Sau nhiều tháng đe dọa sẽ cắt viện trợ quân sự cho Ukraine, Tổng thống Trump hôm 14/7 tuyên bố gửi “hàng tỷ USD” vũ khí, với điều kiện châu Âu sẽ chi trả. Ông Trump và ông Rutte cho biết các quốc gia NATO khác đã đồng ý thay mặt Ukraine mua vũ khí từ Mỹ. Tổng thư ký NATO nhận định, điều này sẽ giúp Ukraine tiếp cận “một lượng lớn” khí tài quân sự, bao gồm đạn dược và tên lửa.
Nếu Tổng thống Trump cho phép một lượng lớn vũ khí của Mỹ tiếp tục được chuyển đến Ukraine, điều đó sẽ đánh dấu một thay đổi quan trọng. Kể từ khi ông Trump nhậm chức, nhiều người tại Ukraine và châu Âu đã cho rằng đó chính là kịch bản tốt nhất có thể xảy ra đối với Ukraine, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ thể hiện rõ lập trường phản đối việc tiếp tục viện trợ.
Quan trọng hơn cả, động thái này sẽ gửi một thông điệp hoàn toàn khác tới ông Putin. Giới quan sát cho rằng, trong nhiều tháng qua, ông Putin tin rằng sự hậu thuẫn quân sự của Mỹ dành cho Ukraine đang dần suy giảm dưới thời ông Trump. Theo họ, nếu thỏa thuận trên làm đảo ngược xu hướng đó, nó có thể bắt đầu thay đổi cách nhìn của ông Putin.
Tuy nhiên, các thông tin chi tiết của thỏa thuận đóng vai trò rất quan trọng. Việc ông Trump cho phép chuyển hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Ukraine có thể mang tính quyết định trong bối cảnh các đợt không kích của Nga gia tăng nhưng phép thử thực sự hiện nay là Kiev sẽ nhận được những loại vũ khí nào khác nữa. Ông Trump cũng đề cập đến việc cung cấp “nhiều thiết bị quân sự rất hiện đại”, song hiện tại Lầu Năm Góc vẫn đang cân nhắc những vũ khí nào sẽ được gửi đi, 2 quan chức Mỹ tiết lộ với ABC News.
Dù vậy, hôm 14/7, ông Trump đã thể hiện lập trường gần gũi hơn với các đồng minh. Trái ngược với cuộc gặp ở Phòng Bầu dục hồi tháng 2 khi ông chỉ trích Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, lần này Tổng thống Mỹ đã ca ngợi Ukraine là “dũng cảm” và nói về “tinh thần đoàn kết phi thường” của các nước châu Âu.
Về phía ông Putin, Tổng thống Trump tiếp tục bày tỏ sự thất vọng và thừa nhận nhà lãnh đạo Nga là một "người cứng rắn".
Ông Trump thử phản ứng của Tổng thống Putin?
Câu hỏi then chốt hiện nay là Tổng thống Putin sẽ nghiêm túc đến mức nào với cách tiếp cận mới của ông Trump?
Mối đe dọa về thuế quan hiện vẫn còn mơ hồ và một số chuyên gia bày tỏ nghi ngờ về khả năng áp dụng hiệu quả chúng. Các loại "thuế quan thứ cấp" nhằm trừng phạt các quốc gia nhập khẩu dầu khí từ Nga có thể có tác động mạnh, nhưng lại rất phức tạp và có nguy cơ dẫn đến một cuộc đối đầu lớn với Trung Quốc.
Một câu hỏi nữa là tại sao ông Trump lại chọn thời hạn 50 ngày để cảnh báo trước khi áp mức thuế 100% lên Nga? Một lời giải thích có thể đưa ra là vì khoảng thời gian đó trùng với dự đoán về quá trình Nga sẽ tiến hành cuộc tấn công mùa hè. Theo Axios, gần đây ông Putin thậm chí đã nói với ông Trump trong một cuộc điện đàm rằng ông dự định sẽ thúc đẩy chiến dịch quân sự mạnh mẽ trong 60 ngày tới.
Chính quyền Tổng thống Trump có thể đang hy vọng rằng ông Putin sẽ có xu hướng thiên về đàm phán hơn sau khi chiến dịch tấn công mùa hè kết thúc.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, ông Putin có thể không tin rằng Tổng thống Trump đủ kiên nhẫn để theo đuổi lập trường cứng rắn đến cùng. Tatiana Stanovaya, một nhà phân tích về Nga và là người sáng lập tổ chức R.Politik viết trên mạng xã hội X rằng nhiều người trong giới tinh hoa Nga coi cách tiếp cận mới của ông Trump chỉ là một động thái tạm thời nhằm "thử phản ứng" của Tổng thống Putin.
“Một khi thấy rõ áp lực không mang lại hiệu quả, ông Trump có thể sẽ quay lại con đường ngoại giao, bao gồm gây sức ép với Ukraine để đạt được sự nhượng bộ”, chuyên gia Stanovaya nói về lập trường của giới tinh hoa Nga.
Tổng thống Putin vẫn chưa chính thức phản ứng về tuyên bố của ông Trump. Tuy nhiên, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 15/7 nói với báo giới: “Tuyên bố của Tổng thống Mỹ là rất nghiêm trọng. Một số phát biểu còn nhắm thẳng vào Tổng thống Putin. Chúng tôi chắc chắn cần thời gian để phân tích những gì được phát biểu ở Washington".
Ông Peskov cũng cho biết các quyết định ở Mỹ và các nước NATO đang được Ukraine “diễn giải không phải là tín hiệu hòa bình mà là tín hiệu để tiếp tục xung đột”.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev viết trên mạng xã hội X rằng Nga “không quan tâm đến tối hậu thư đầy kịch tính của ông Trump".
Nhà ngoại giao cấp cao Nga Sergei Ryabkov thì tuyên bố: “Trước hết, chúng tôi khẳng định rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm đưa ra các yêu cầu, đặc biệt là tối hậu thư, là điều không thể chấp nhận được".
Marina Miron, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Khoa nghiên cứu quốc phòng, Cao đẳng Hoàng gia London cho biết, các hệ thống tên lửa Patriot mà ông Trump cam kết bán cho Ukraine là hệ thống phòng không tầm xa, phù hợp để bắn hạ các tên lửa đạn đạo như Iskander M của Nga. Tuy nhiên, Ukraine sẽ cần thêm các hệ thống tầm ngắn và tầm trung, cũng như các hệ thống phóng rocket đa nòng để tự vệ.
“Vì vậy, đây là động thái mang tính chính trị của ông Trump hơn là một thay đổi chiến thuật thực sự", chuyên gia Miron nhận xét. Bà cũng nhấn mạnh hiệu quả của những vũ khí này còn phụ thuộc vào Ukraine có nhận đủ 17 hệ thống như lời ông Trump nói hay không và chúng sẽ được triển khai ở đâu.