
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tính đến hết học kỳ I năm học 2024 - 2025, cả nước thiếu hơn 120.000 giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Trong đó, gần 65.000 biên chế đã được giao cho các địa phương nhưng mới tuyển được khoảng 6.000 người.
Để giải quyết tình trạng này, Bộ đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo khẩn trương việc tuyển dụng giáo viên để đủ số biên chế được giao; không để công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy ảnh hưởng công tác tuyển dụng.

Tình trạng thiếu giáo viên diễn ra nhiều năm nay, ở hầu hết tỉnh, thành. Dù thiếu, nhưng các địa phương không có nguồn để tuyển. Thậm chí ở TP HCM, nhiều vị trí giáo viên Tin học, Tiếng Anh có lúc không ai nộp hồ sơ hoặc trúng tuyển nhưng không nhận việc. Hay ở Thanh Hóa, cuối năm ngoái, hơn 2.700 học sinh tiểu học và THCS ở huyện Lang Chánh, không được học môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc trong hai tháng do thiếu giáo viên.
Để khắc phục tình trạng này, Quốc hội đang dự thảo nghị quyết về thí điểm tuyển người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, các trường cấp 1, 2 công lập có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng dạy Tiếng Anh, Tin học, Công nghệ, Nghệ thuật (Mỹ thuật, Âm nhạc), thay vì phải đại học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn quy trình cho người tốt nghiệp đại học ở các ngành khác, được học chuyển đổi để trở thành giáo viên. Đồng thời, các địa phương cần có cơ chế, chính sách thu hút giáo viên về công tác, đặt hàng đào tạo, tăng cường bồi dưỡng giáo viên.
Để sử dụng hiệu quả đội ngũ hiện có các địa phương cần tiếp tục rà soát điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu đồng thời xác định cụ thể số lượng và cơ cấu giáo viên còn thiếu theo từng cấp học môn học và từng năm học từ 2026 - 2027 đến 2030 - 2031 và báo cáo về Bộ để có phương án xử lý kịp thời.