Tổng thống Trump bất ngờ đổi giọng, để ngỏ khả năng rút khỏi xung đột Ukraine

20/05/2025, 11:30

Sau nhiều tháng gây sức ép và liên tục kêu gọi công khai nhưng không đạt được tiến triển rõ rệt trong các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Nga và Ukraine, Tổng thống Donald Trump có thể đang chuẩn bị rút lui.

Tổng thống Trump bất ngờ đổi giọng

Năm ngoái, ông Donald Trump tuyên bố ông có thể chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine "trong 24 giờ". Tuần trước, ông nói rằng xung đột sẽ không được giải quyết cho đến khi ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể "gặp mặt trực tiếp" và cùng thảo luận. Đến ngày 19/5, lập trường của ông lại tiếp tục thay đổi.

Trong cuộc điện đàm kéo dài hai tiếng vào thứ Hai (19/5) với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Trump tuyên bố rằng hai bên sẽ “ngay lập tức” bắt đầu đàm phán về một lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, quan điểm này có phần khác biệt so với lập trường từ phía Nga. Tổng thống Putin chỉ nói rằng Moscow sẵn sàng hợp tác với Kiev để xây dựng một "biên bản ghi nhớ và khả năng đạt được một thỏa thuận hòa bình trong tương lai".

Việc mới chỉ dừng lại ở các cuộc thảo luận về "biên bản ghi nhớ" và một "tương lai hòa bình có thể xảy ra" dường như vẫn chưa đủ để đặt nền móng vững chắc cho một thỏa thuận lâu dài. Tổng thống Putin tiếp tục nhấn mạnh rằng bất kỳ giải pháp nào cũng phải giải quyết "căn nguyên" của cuộc xung đột, điều mà trước đó Nga cho là tham vọng của Ukraine muốn xích lại gần hơn với châu Âu.

Một khả năng đang được đặt ra là quan điểm mới nhất của ông Trump có thể là dấu hiệu cho thấy Mỹ cuối cùng sẽ rút khỏi bàn đàm phán. Ông Trump dường như ám chỉ rằng mình sẽ không còn giữ vai trò trung gian trong việc chấm dứt cuộc xung đột kéo dài ba năm này.

Liên quan đến lệnh ngừng bắn, ông Trump viết trên TruthSocial: “Điều kiện cho việc đó sẽ do hai bên tự đàm phán vì chỉ họ mới hiểu được các chi tiết của một cuộc thương lượng mà không ai khác biết rõ". Ông Trump cũng mô tả “giọng điệu và tinh thần” của cuộc trao đổi với ông Putin là “rất tích cực”.

Theo một số nhà quan sát, việc ông Trump có vẻ muốn rút khỏi nỗ lực hòa giải và từ bỏ cam kết trong chiến dịch tranh cử rằng ông có thể chấm dứt xung đột ngay từ "ngày đầu tiên" có thể kéo theo những hệ lụy sâu sắc đối với tương lai của Ukraine và an ninh châu Âu. Ukraine từ lâu đã dựa vào sự hậu thuẫn của Mỹ như một đòn bẩy trong các cuộc đàm phán với Điện Kremlin trong khi ông Putin đặt cược vào yếu tố thời gian để làm suy yếu vị thế đàm phán của đối phương.

Mặc dù phát biểu với báo giới tại Phòng Bầu dục sau đó trong ngày, Tổng thống Mỹ khẳng định ông chưa hoàn toàn rút khỏi tiến trình hòa đàm, nhưng cũng thừa nhận rằng ông có một “lằn ranh đỏ” trong suy nghĩ - điều mà ông chưa sẵn sàng tiết lộ.

“Tôi có một giới hạn nhất định. Nhưng tôi không muốn nói ra nó vì điều đó sẽ khiến việc đàm phán trở nên khó khăn hơn", ông Trump cho hay.

Dù bày tỏ sự lạc quan rằng “sẽ có điều lớn lao xảy ra trong thời gian tới”, ông Trump cũng để ngỏ khả năng đàm phán thất bại.

“Có nhiều cái tôi lớn nhưng tôi nghĩ sẽ có điều gì đó xảy ra. Còn nếu không, tôi sẽ rút lui và để họ tiếp tục".

Với tính cách hay thay đổi, ông Trump hoàn toàn có thể tái xuất trong tiến trình nếu một thỏa thuận ngừng bắn thực sự hình thành. Tuy nhiên, việc ông rút khỏi cuộc xung đột tại Ukraine có thể là dấu hiệu của một sự chuyển hướng trong chính sách đối ngoại, theo đó hướng đến các cuộc đàm phán thương mại với những quốc gia khác và khả năng đạt được một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran. Điều này có thể khiến châu Âu phải khẩn trương củng cố năng lực phòng thủ cho Ukraine trên chiến trường trong những tháng tới.

Một số nhà lãnh đạo châu Âu đã điện đàm với ông Trump sau cuộc gọi giữa ông và ông Putin và sau đó ra tuyên bố khẳng định ủng hộ Ukraine. Họ cũng cho biết sẽ thực hiện những điều mà Mỹ không làm, bao gồm tăng cường trừng phạt đối với Moscow dù không nói rõ thời điểm cụ thể.

Bằng việc đồng ý tham gia ngừng bắn với Ukraine, Tổng thống Putin dường như đang mở rộng thời gian với ông Trump - người từng vài lần đe dọa áp thêm trừng phạt kinh tế với Moscow nếu ông Putin không thể hiện thiện chí rõ ràng hơn trong việc chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, theo hãng thông tấn nhà nước Tass của Nga, phát biểu của ông Putin sau cuộc điện đàm với ông Trump cho thấy ông chỉ cam kết thảo luận về ngừng bắn sau khi đạt được "các thỏa thuận liên quan" khác.

Việc ông Putin tỏ ý sẵn sàng cùng Ukraine xây dựng một "bản ghi nhớ" về các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai vẫn còn cách rất xa so với điều kiện tiên quyết của Ukraine, rằng đàm phán chỉ bắt đầu sau khi đạt được một lệnh ngừng bắn.

Điều gì xảy ra nếu Mỹ rút khỏi xung đột Ukraine?

Nếu Mỹ thực sự rút tay khỏi cuộc xung đột như Phó Tổng thống Mỹ JD Vance và Ngoại trưởng Marco Rubio từng đe dọa thì liệu điều đó có đồng nghĩa với việc Washington sẽ chấm dứt hỗ trợ quân sự và tình báo cho Ukraine?

Nếu đúng như vậy, đây có thể là một diễn biến mà Nga, với nguồn lực vượt trội so với một Ukraine bị Mỹ cắt viện trợ, hoàn toàn hoan nghênh.

Kịch bản này đang khiến Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không khỏi lo ngại. Phát biểu tại Kiev sau cuộc điện đàm riêng với ông Trump, ông Zelensky đã xác nhận rằng ông hối thúc nhà lãnh đạo Mỹ tăng cường trừng phạt Nga, đồng thời tái khẳng định mong muốn Mỹ tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt trong các nỗ lực hòa giải.

“Điều quan trọng đối với tất cả chúng ta là Mỹ không được rút lui khỏi các cuộc đàm phán và tiến trình tìm kiếm hòa bình bởi người duy nhất được lợi từ điều đó là ông Putin", ông Zelensky viết trên mạng xã hội X.

Phát biểu với báo chí trước đó, ông Zelensky tiếp tục bày tỏ sự hoài nghi về các mục tiêu tối đa của Nga, nhưng vẫn giữ thái độ thận trọng: “Ông Trump nghĩ rằng Nga đã sẵn sàng đàm phán và thỏa hiệp. Nhưng chúng ta sẽ còn phải chờ xem. Cần nói rõ rằng, nếu Nga đưa ra điều kiện yêu cầu chúng tôi rút khỏi lãnh thổ của chính mình thì điều đó có nghĩa là họ không thực sự muốn có ngừng bắn hay chấm dứt xung đột. Bởi họ biết Ukraine sẽ không bao giờ chấp nhận điều đó".

Iryna Gerashchenko, một nghị sĩ Ukraine thì thẳng thắn hơn khi gọi đề xuất mới mà ông Trump đưa ra là “một cái bẫy". Bà cho rằng: “Đàm phán trực tiếp mà không có trung gian và không có bên bảo đảm thực thi các thỏa thuận" chính là điều Điện Kremlin mong muốn và có cớ để đẩy trách nhiệm sang phía Ukraine.

Phó Tổng thống Mỹ JD Vance, trong phát biểu hôm 19/5 cũng ám chỉ khả năng này và thừa nhận rằng hai bên đang rơi vào “một dạng bế tắc” khi ông trả lời báo chí trên chuyên cơ Không lực Hai trở về từ buổi lễ nhậm chức của Giáo hoàng Leo tại Rome.

“Chúng tôi hoàn toàn sẵn sàng rút lui. Mỹ sẽ không lãng phí thời gian vào việc này. Chúng tôi cần thấy kết quả cụ thể", ông Vance nói.

Các cuộc đàm phán tuần trước giữa quan chức Nga và Ukraine tại Istanbul hầu như không đạt được tiến triển. Tổng thống Putin đã từ chối đến Thổ Nhĩ Kỳ để gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - người đã đến Ankara trong một cuộc gặp riêng với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và thể hiện sẵn sàng ngồi lại với ông Putin lần đầu tiên kể từ khi xung đột nổ ra.

Gạt sang bên những lời tuyên bố ngày 19/5, dường như Ukraine và Nga vẫn sẽ tiếp tục một hình thức đối thoại nào đó và việc duy trì đối thoại dưới bất kỳ hình thức nào cũng là một tiến triển sau gần 3 năm xung đột. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu phía Nga có cử một phái đoàn cấp cao hơn so với nhóm đại diện cấp thấp đã đến Istanbul gặp phía Ukraine vào 16/5 hay không.

Ông Trump tiếp tục đưa ra những lời hứa về việc giảm trừng phạt đối với Nga cùng với các thỏa thuận thương mại và đầu tư kinh tế mới như một sự khuyến khích để thúc đẩy ông Putin tiến tới một thỏa thuận hòa bình. Ông cũng nhắc lại điều này trong phát biểu sau cuộc điện đàm. Các biện pháp răn đe như lệnh trừng phạt bổ sung đối với ngành ngân hàng và năng lượng Nga không được đề cập.

Tháng trước, Tổng thống Mỹ từng cảnh báo ông sẽ không chấp nhận việc để bị ông Putin "dắt đi vòng vo", đồng thời nói rằng Nga không nên tấn công vào các khu dân cư. Tuy nhiên, mới đây, Nga đã tiến hành đợt không kích bằng máy bay không người lái lớn nhất kể từ đầu cuộc xung đột nhằm vào các thành phố của Ukraine và cuộc điện đàm ngày 19/5 giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ cho thấy một lệnh ngừng bắn hay thỏa thuận hòa bình dường như vẫn còn rất xa vời.

Bài liên quan
Sau điện đàm Trump – Putin, Nga – Ukraine hướng tới đàm phán ngừng bắn
Ông Putin đồng ý với ông Trump sẽ cùng Ukraine xây dựng bản ghi nhớ cho thỏa thuận hòa bình tiềm năng, tuy vậy Moskva chưa chấp nhận ngừng bắn toàn diện.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu lực lượng công an đi đầu trong học tập và làm theo Bác
VOVLIVE - Theo Tổng Bí thư, cần đẩy mạnh các khâu “làm theo”, “gương mẫu đi đầu” trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn lực lượng Công an nhân dân.
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp