Giây phút căng thẳng ngượng ngùng tại Phòng Bầu dục. (Nguồn: Reuters)
Theo CNN, vài phút trước khi Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa bước vào Phòng Bầu dục hôm 21/5, các trợ lý Nhà Trắng đẩy hai màn hình lớn vào bên trong Cánh Tây. Điều chờ đợi ông Ramaphosa dường như là một màn "phục kích" chính trị được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Sau khi trao đổi xã giao về golf với người đồng cấp Nam Phi, Tổng thống Mỹ Trump bất ngờ yêu cầu giảm ánh sáng trong phòng và phát một đoạn video nhằm củng cố cho cáo buộc sai lệch của ông rằng người da trắng ở Nam Phi đang bị đàn áp và thậm chí là “diệt chủng”. Ông Ramaphosa, vốn là một nhà đàm phán kỳ cựu từng làm việc cùng Nelson Mandela, cố giữ bình tĩnh nhưng không giấu được sự bối rối rõ ràng.
Sự kiện này không phải là ngẫu nhiên. Đội ngũ của ông Trump đã chuẩn bị trước các bài báo in sẵn để ông giơ ra trước ống kính, đồng thời chia sẻ chúng đồng loạt lên mạng xã hội. Đoạn video phát trong cuộc gặp là hình ảnh chính trị gia đối lập cực đoan Julius Malema kêu gọi bạo lực chống lại nông dân da trắng. Và ông Trump sử dụng hình ảnh này để nhấn mạnh luận điểm của mình.
Mặc dù Tổng thống Nam Phi nỗ lực giải thích tình hình thực tế, ông Trump vẫn không thay đổi quan điểm. Ông Trump nói khi lật qua từng trang tài liệu: “Chết chóc, chết chóc, kinh hoàng”.
Từ khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai hồi tháng 1, ông Trump được cho là liên tục tận dụng các cuộc gặp với lãnh đạo nước ngoài để thúc đẩy các quan điểm chính trị gây tranh cãi trong nước. Lần này, ông dường như đẩy xa hơn khi biến cuộc tiếp đón tại Phòng Bầu dục thành một sân khấu tuyên truyền đa phương tiện — điều chưa từng có ngay cả khi so với cuộc tranh cãi nảy lửa của ông cùng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 2.
Theo một quan chức Nhà Trắng, mục tiêu của ông Trump là “làm sáng tỏ” một vấn đề mà truyền thông “cố tình phớt lờ”. Tuy nhiên, CNN và nhiều tổ chức quốc tế đã kiểm tra và kết luận rằng không có bằng chứng nào cho thấy xảy ra “diệt chủng” người da trắng ở Nam Phi.
Từ tháng 2, ông Trump ký sắc lệnh tiếp nhận người Nam Phi da trắng là “người tị nạn chính trị” và tạm dừng toàn bộ viện trợ đối ngoại cho Nam Phi. Ông cũng trục xuất đại sứ Nam Phi tại Mỹ. Chỉ trong tuần trước, 59 người Nam Phi da trắng được chấp thuận nhập cư theo diện tị nạn tại Mỹ.
Những chính sách và tuyên bố này song hành với nỗ lực trong nước của ông Trump nhằm xóa bỏ các chương trình đa dạng sắc tộc — tương tự như những chính sách khắc phục hậu quả lịch sử của Nam Phi mà ông phản đối. Một trong những người ủng hộ chính của ông Trump trong vấn đề này là tỷ phú gốc Nam Phi Elon Musk.
Musk từng cáo buộc Nam Phi chặn dịch vụ Starlink vì không đáp ứng yêu cầu phải có chủ sở hữu da màu theo luật. Trước chuyến thăm của ông Ramaphosa, chính phủ Nam Phi chuẩn bị một phương án để Starlink có thể hoạt động tại nước này, hy vọng tạo không khí tích cực trước cuộc gặp. Nhưng hành động đó dường như không giúp làm dịu tình hình.
Musk cũng có mặt tại Phòng Bầu dục trong khoảnh khắc căng thẳng, đứng sau một ghế sofa mạ vàng, quan sát toàn bộ cuộc đối thoại. Tuy nhiên, ông không được mời phát biểu. Ông Trump nói: “Elon là người Nam Phi, tôi không muốn ép anh ấy nói về chuyện đó. Như vậy không công bằng với anh ấy".
Sau khi đoạn video kết thúc, ông Ramaphosa phản bác: “Những gì quý vị thấy trong đoạn phát biểu kia không phải là chính sách của chính phủ. Nam Phi là nền dân chủ đa đảng, cho phép các ý kiến khác nhau. Chính sách của chính phủ chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những gì vừa được trình chiếu".
Cuộc gặp vốn được kỳ vọng sẽ bàn về thương mại và hợp tác, cuối cùng bị phủ bóng bởi màn thể hiện chính trị được chuẩn bị kỹ lưỡng của Nhà Trắng. Không lời khen ngợi nào từ phía Ramaphosa — kể cả việc mời hai tay golf chuyên nghiệp đi cùng hay tán dương cách bài trí Phòng Bầu dục — có thể làm thay đổi kịch bản đã được định sẵn.