
"Tiền bạc làm cho thế giới vận hành trơn tru" – câu hát nổi tiếng của nhân vật Sally Bowles trong vở Cabaret gợi lại bầu không khí mông lung và bất an của thời kỳ Cộng hòa Weimar, nhưng cũng phản chiếu chân thực tình thế mà châu Âu đang đối mặt hôm nay. Những quyết định về ngân sách sắp tới, bên nào phải cắt giảm, bên nào phải tăng chi và vì mục đích gì – sẽ quyết định vị thế địa chính trị của lục địa "già" trong thập kỷ này.

Ba ưu tiên cấp bách đang cùng lúc gây sức ép khổng lồ lên ngân sách công của các nước châu Âu và ưu tiên hàng đầu không gì khác ngoài quốc phòng. Cuộc chiến ở Ukraine, cùng với mối đe dọa ngày càng hiện hữu từ Nga, đã khiến nhiều quốc gia buộc phải tăng mạnh chi tiêu quân sự. Đức giờ đây cam kết đầu tư hơn 2% GDP cho quốc phòng, phá vỡ truyền thống tiết kiệm kể từ sau Thế chiến II. Ba Lan Pháp, và thậm chí là các nước Bắc Âu trung lập như Thụy Điển và Phần Lan cũng đang tái cấu trúc ngân sách để tăng tốc hiện đại hóa quân đội và củng cố năng lực phòng thủ biên giới.
Chi tiêu quốc phòng không còn là lựa chọn, mà là điều kiện bắt buộc để duy trì vai trò trong NATO và bảo vệ trật tự an ninh châu Âu. Nhưng cái giá của nó sẽ là gì: cắt giảm phúc lợi xã hội hay tăng thuế? Đây chính là bài toán khó mà các quốc gia đồng minh của Ukraine đang nỗ lực đi tìm lời giải.
Nỗi lo sợ của châu Âu
Áp lực gia tăng chi tiêu quốc phòng tại châu Âu xuất phát từ hai yếu tố then chốt: nỗi lo an ninh ngày càng tăng từ Nga và lời kêu gọi từ Nhà Trắng trong việc tăng chi tiêu quốc phòng.
Ưu tiên thứ hai, được coi là cấp bách hơn, là duy trì sự hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong xung đột với Nga. Tuy nhiên, để Ukraine có thể tiếp tục chiến đấu, các chính phủ châu Âu sẽ phải vượt xa mức chi tiêu quốc phòng hiện tại.
Cùng lúc đó, EU cũng đang chuẩn bị bước vào giai đoạn thương lượng cam go về ngân sách dài hạn cho giai đoạn 2028–2034. Ủy ban châu Âu đã đưa ra bản đề xuất ngân sách, với trọng tâm là an ninh, các cam kết toàn cầu, năng lực cạnh tranh và khoản hỗ trợ bổ sung cho Ukraine. Mặc dù định hướng này được sự đồng thuận rộng rãi về mặt chính trị, việc phân bổ lại nguồn lực để hiện thực hóa vẫn đang là chủ đề gây tranh cãi.
Ngân sách mà Ủy ban đề xuất chỉ chiếm 1,26% tổng GNI của toàn EU — một mức tăng nhẹ so với con số 1,13% hiện tại, đặc biệt nếu xét đến gánh nặng trả nợ từ khoản vay chung hậu COVID-19. Song trong lĩnh vực quốc phòng, bức tranh ngân sách lại thể hiện mức độ tăng trưởng vượt trội. Tại nhiều quốc gia châu Âu, chi tiêu quốc phòng đã tăng khoảng 1/3 trong những năm gần đây, với phần lớn các thành viên NATO hiện đạt hoặc tiệm cận mức chi tiêu 2% GDP theo yêu cầu.
Vấn đề là ngay cả con số đó cũng không còn đủ nữa.
Tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 6 tại The Hague, các thành viên đã cam kết chi 3,5% GDP cho quốc phòng vào năm 2035, với 1,5% bổ sung được dành cho các khoản đầu tư liên quan đến quốc phòng và an ninh. Khoản tăng thêm 1,5% này dường như được thiết kế để xoa dịu ông Trump, người đã nhiều lần kêu gọi các đồng minh châu Âu tăng chi tiêu quân sự lên 5% GDP.
Việc hỗ trợ Ukraine duy trì chiến sự với Nga, cũng như tham gia vào quá trình tái thiết đất nước trong tương lai, chắc chắn đòi hỏi một cam kết tài chính lâu dài và đáng kể từ phía châu Âu.
Dù các ước tính có thể khác nhau, nhưng chẳng hạn, nếu mỗi năm chi khoảng 100 tỷ USD cho Ukraine thì tổng số này chỉ chiếm hơn 0,4% GDP gộp của Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh. Đây được coi là một khoản chi lớn, nhưng không đến mức vượt quá khả năng kiểm soát về tài khóa nếu có sự phân bổ đều và hợp lý.
Trong khung thời gian ngân sách từ năm 2028 đến 2035, chi phí tái thiết Ukraine sẽ là vấn đề mà châu Âu không thể né tránh. Nhiều báo cáo đã đưa ra con số ước lượng vào khoảng 500 tỷ USD, mặc dù khoản này bao gồm cả các vùng lãnh thổ mà hiện tại hoặc trong tương lai gần có thể vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Nga.
Viễn cảnh tái thiết thành công quốc gia này cũng sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc liệu các cam kết an ninh và triển vọng gia nhập Liên minh châu Âu của Kiev có thể đủ sức tạo dựng một môi trường đầu tư ổn định, thúc đẩy dòng vốn tư nhân quy mô lớn đổ vào Ukraine hay không.
Tuy nhiên, không thể loại trừ khả năng các nhu cầu khẩn cấp khác sẽ nảy sinh trong tương lai, tạo áp lực gia tăng đối với ngân sách của các nước châu Âu. Một số chính phủ hiện đã buộc phải cắt giảm ngân sách viện trợ phát triển hoặc tái phân bổ một phần đáng kể nguồn lực này sang hỗ trợ cho Ukraine.
Trong bối cảnh xung đột đang diễn ra, đó có thể là điều không thể tránh khỏi, thậm chí là lựa chọn đúng đắn về mặt chiến lược. Nhưng hệ quả lâu dài của sự tái cơ cấu ngân sách này, cả về chính trị lẫn đạo đức, vẫn chưa được đánh giá đầy đủ.
Hiện nay, chỉ có ba quốc gia Bắc Âu bao gồm Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch là đáp ứng được mục tiêu 0,7% tổng Thu Nhập Quốc dân (GNI) dành cho các chương trình hỗ trợ xã hội mà Liên Hợp Quốc đặt ra. Sau các đợt cắt giảm sâu về viện trợ nước ngoài dưới thời chính quyền Trump, cùng với việc cơ quan USAID bị thu hẹp, châu Âu có lý do chính đáng để lấp vào khoảng trống đó. Một thế giới bị bỏ rơi trong đói nghèo và bất ổn sẽ tạo ra thêm nhiều mối đe dọa an ninh; do đó, phát triển không chỉ là vấn đề đạo đức, mà còn là mệnh lệnh chiến lược.
Thế khó của châu Âu
Dẫu vậy, hiện thực hóa tất cả các cam kết này sẽ không dễ dàng, nhất là trong bối cảnh nhiều chính phủ châu Âu đang vật lộn với tình trạng thâm hụt ngân sách trầm trọng và mức nợ công ngày càng gia tăng. Khả năng đáp ứng mục tiêu chi tiêu quốc phòng 3,5% GDP mà NATO đang đặt ra đến năm 2035 có thể sẽ đạt được ở các nước Bắc Âu, nhưng rất có thể vẫn sẽ là mục tiêu xa vời đối với các quốc gia Nam Âu, ngoại trừ Hy Lạp.
Hơn nữa, khi Pháp, Ý và Tây Ban Nha đều dự kiến tổ chức bầu cử quốc gia vào năm 2027, những ưu tiên chính trị có thể khiến việc mở rộng ngân sách quốc phòng bị trì hoãn. Trong môi trường chính trị như vậy, bất kỳ nỗ lực nào nhằm gia tăng chi tiêu quân sự đều có nguy cơ bị xem là không hợp lòng cử tri.
Xu hướng này đã thể hiện rõ trong việc phân phối viện trợ cho Ukraine. Trong 4 tháng đầu năm 2025, các nước Bắc Âu đã đóng góp 6,8 tỷ USD, Vương quốc Anh cung cấp 5,3 tỷ USD và Đức đóng góp 760 triệu USD, trong khi Tây Ban Nha và Ý chỉ đóng góp một phần nhỏ trong số đó.
Trong khi đó, sự đối lập càng rõ nét khi so sánh với NATO: liên minh quân sự này không mấy chần chừ trong việc phê duyệt các cam kết tài chính lớn, còn EU thì vướng vào những cuộc thương lượng dai dẳng ngay cả khi chỉ bàn đến các khoản chi nhỏ hơn rất nhiều.
Dù quyết định cuối cùng có ra sao, cuộc “chiến tranh tài chính” sắp tới sẽ trở thành bài kiểm tra thực sự về năng lực và thiện chí chính trị của các nhà lãnh đạo châu Âu. Bởi họ không chỉ cần cân bằng các áp lực trong nước mà còn phải chứng minh rằng lục địa này có thể độc lập đối mặt với những thách thức an ninh ngày một nghiêm trọng, từ cuộc xung đột ở Ukraine cho tới bài toán duy trì sức mạnh nội khối trong viễn cảnh không còn sự bảo trợ của Mỹ.