
Chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhằm góp phần khẳng định mạnh mẽ những chủ trương, chính sách, nỗ lực lớn của đất nước trong phát triển kinh tế, xã hội, đề cao chủ nghĩa đa phương, tạo động lực cho việc thể hiện vai trò thành viên có trách nhiệm, đóng góp tích cực, thực chất của Việt Nam đối với các hoạt động, thúc đẩy quan hệ, hợp tác Nghị viện với các nước, các tổ chức quốc tế, phát huy vai trò, vị thế của Việt Nam và Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế.

Quốc hội Việt Nam chủ trì, đăng cai nhiều hoạt động trong IPU
Được thành lập năm 1889 tại Paris và có trụ sở tại Geneva, Thụy Sỹ, Liên minh Nghị viện thế giới có 181 thành viên và 15 thành viên liên kết. IPU là trung tâm của hoạt động ngoại giao Nghị viện khắp thế giới, hoạt động nhằm mục đích vì hòa bình, dân chủ hợp tác giữa các dân tộc và Nghị viện các nước.
Kể từ khi trở thành thành viên của IPU (tháng 4/1979), Quốc hội Việt Nam là một thành viên tích cực và có trách nhiệm tại diễn đàn này. Quốc hội Việt Nam đã chủ trì, đăng cai nhiều hoạt động, trong đó nổi bật là Đại hội đồng IPU 132 từ ngày 28/3-2/4/2015 tại Hà Nội với dấu ấn đặc biệt về Tuyên bố Hà Nội thúc đẩy hành động của Nghị viện trong việc triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG); Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 (tháng 9/2023) và các hội nghị chuyên đề khu vực khác.
Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 6 là một sự kiện hết sức quan trọng của ngoại giao Nghị viện với sự tham gia của Nghị viện gần 120 nước, trong đó có gần 100 Chủ tịch Nghị viện và Quốc hội.
Hội nghị có chủ đề là “Một thế giới đang hỗn loạn: Hợp tác Nghị viện và chủ nghĩa đa phương vì hòa bình, công bằng và thịnh vượng cho mọi người dân”, phản ánh mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế về bối cảnh tình hình thế giới đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay; đồng thời mong muốn phát huy vai trò quan trọng của ngoại giao Nghị viện đa phương trong thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển vì lợi ích của người dân trên toàn thế giới, đặc biệt trong hoạch định và giám sát thực thi chính sách, pháp luật.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong, dự kiến Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ có bài phát biểu tại phiên toàn thể, truyền tải thông điệp về đường lối, chính sách của Việt Nam, nhất là đường lối hợp tác vì hòa bình và phát triển bền vững trên toàn thế giới.
"Dự kiến thông điệp sẽ được đưa ra đa dạng, đặc biệt là việc đánh giá tình hình thế giới hiện nay và nhu cầu cần phải thúc đẩy hợp tác đa phương. Trong đó, Nghị viện các nước với tư cách là đại diện của người dân, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, phải chung tay để thúc đẩy các biện pháp và hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững trên toàn thế giới", theo ông Đôn Tuấn Phong.
Thức đẩy hợp tác với Thụy Sỹ
Cũng trong chuyến tham dự Hội nghị IPU, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ có các hoạt động song phương với lãnh đạo cấp cao của Thụy Sỹ.
Quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Thụy Sỹ phát triển tích cực trên hầu khắp các lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục, khoa học - công nghệ.
Thụy Sỹ là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam tại châu Âu và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 trong ASEAN của Thụy Sỹ. Trong 6 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 454 triệu USD (xuất khẩu của Việt Nam đạt 88 triệu, nhập khẩu đạt 366 triệu USD).
Quốc hội hai nước cũng thường xuyên tham vấn, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn Nghị viện đa phương như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF). Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Quốc hội hai nước triển khai nhiều hoạt động góp phần thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang cho biết Thụy Sỹ là một nước có rất nhiều thế mạnh và kinh nghiệm trong các lĩnh vực mà Việt Nam đang quan tâm như Trung tâm Tài chính đổi mới sáng tạo, đồng thời quan hệ kinh tế thương mại đầu tư Việt Nam Thụy Sỹ cũng rất chặt chẽ.
"Chuyến thăm cũng trên cơ sở đó thì các hoạt động song phương của Chủ tịch Quốc hội và Đoàn tại Thụy Sỹ cũng sẽ thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mới, chia sẻ kinh nghiệm trong thời gian tới", theo Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang.
Chuyến công tác tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 6, tiến hành các hoạt động song phương tại Thụy Sỹ của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn được kỳ vọng sẽ để lại dấu ấn tốt đẹp về vai trò, vị thế, đóng góp tích cực, thực chất của Việt Nam và Quốc hội Việt Nam trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.