"Tinh giản biên chế là đúng nhưng "tinh tuyển" cũng quan trọng không kém"

Lê Hoàng/VOV.VN | 25/07/2025, 07:31

"Việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế vẫn còn nhiều việc phải làm. Tinh giản là đúng nhưng "tinh tuyển" cũng quan trọng không kém”.

Tại Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương một lần nữa tái khẳng định sự quyết liệt trong triển khai Nghị quyết 18-NQ/TW về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức hệ thống chính trị một cách hiệu lực, hiệu quả.

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy mới chỉ bắt đầu. Những bước đi tiếp theo sẽ cần sự kiên trì, đồng thuận và trí tuệ tập thể, để đảm bảo bộ máy nhà nước không chỉ gọn mà còn mạnh, không chỉ thông suốt mà còn hiệu quả, thực sự phục vụ nhân dân và dẫn dắt quốc gia phát triển bền vững trong một giai đoạn mới.

Hàng ngũ chỉnh tề, giờ là lúc tiến lên

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, PGS.TS Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương nhận định, đây không chỉ là một chủ trương quan trọng của Đảng mà đã thực sự trở thành một cuộc cách mạng tổ chức bộ máy chưa từng có trong lịch sử đất nước 80 năm qua.

Nghị quyết 18 được Trung ương ban hành từ tháng 10/2017, đã xác định mục tiêu xuyên suốt là sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015; giảm cấp trung gian, cấp phó, thu gọn đầu mối các cơ quan, đơn vị, nhất là cấp huyện, xã.

Đặc biệt, Nghị quyết cũng định hướng tái cấu trúc lại địa giới hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã theo hướng phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững trong dài hạn.

Sau 7 năm thực hiện, Trung ương đã tổng kết và triển khai giai đoạn hai với nhiều bước đi mạnh mẽ hơn. Đến đầu năm 2025, hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã chứng kiến sự thay đổi căn bản hàng loạt ban, bộ, cơ quan được hợp nhất, tinh gọn lại.

Đặc biệt, từ ngày 1/7/2025, toàn hệ thống đã vận hành theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thay vì 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh như trước. Cấp huyện được bãi bỏ, số xã giảm từ hơn 10.000 còn 3.331. Đây là sự thay đổi chưa từng có tiền lệ, cả về quy mô lẫn tầm ảnh hưởng, được ví như một cuộc cách mạng tổ chức bộ máy của toàn bộ hệ thống chính trị.

Tại Hội nghị Trung ương 12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu một thông điệp rất đáng chú ý là toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chuyển trạng thái từ "Vừa chạy vừa xếp hàng" sang "Hàng thẳng, lối thông, đồng lòng cùng tiến" vươn tới tương lai”. 

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông, từ ngày 1/7, toàn bộ hệ thống chính quyền đã vận hành theo bộ máy mới, đồng nghĩa với việc hàng ngũ đã chỉnh tề và “giờ là lúc tiến lên”.

“Mọi sự sắp xếp, tổ chức lại đã tương đối hoàn tất, điều cần thiết lúc này là phát huy sức mạnh tổng hợp, tận dụng hệ thống tinh gọn để tạo đột phá trong phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội”, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương nói.

Tinh giản phải đi cùng "tinh tuyển"

PGS.TS Nguyễn Viết Thông cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, mọi cuộc cách mạng đều cần hy sinh, ở đây là hy sinh công việc, chức vụ... Nhưng vì tương lai trăm năm của dân tộc, sự hy sinh ấy là xứng đáng và cần thiết.

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, sau hơn 20 ngày chính quyền hai cấp hoạt động tại 34 tỉnh, thành phố, tình hình bước đầu khá khả quan. Một số tỉnh đã cắt giảm hàng loạt đầu mối như sở, phòng, đơn vị sự nghiệp; bộ máy hành chính trở nên linh hoạt, đồng bộ hơn.

Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn nhiều, khi trình độ đội ngũ cán bộ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa theo kịp yêu cầu mới; cơ sở vật chất, đặc biệt là điện, mạng internet, sóng viễn thông... chưa đáp ứng đầy đủ; chuyển đổi số không thể thực hiện trong ngày một ngày hai và việc tổ chức lại địa bàn quản lý, sắp xếp tổ dân phố, thôn xóm là cả một quá trình phức tạp.

“Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng bộ và chủ quan cho rằng “bài toán đã giải xong”, hệ thống có thể rơi vào trạng thái trì trệ, thậm chí hỗn loạn cục bộ”, ông Nguyễn Viết Thông nhấn mạnh.

Về tác động của việc thực hiện Nghị quyết 18 đến các trụ cột phát triển, vị chuyên gia này cho rằng, việc bỏ cấp trung gian giúp thông suốt từ Trung ương đến cơ sở, bộ máy hành chính trở nên gọn nhẹ, tăng khả năng điều hành và hiệu quả phục vụ nhân dân. Cùng với đó, việc tinh giản biên chế cũng mang lại kết quả rõ rệt, tiết kiệm chi phí, tái phân bổ nguồn lực cho các nhiệm vụ thiết yếu.

Quan trọng hơn, sáp nhập tỉnh giúp mở rộng không gian phát triển, hình thành các đơn vị hành chính có quy mô lớn, đa dạng địa hình, tài nguyên, dân cư. Những tỉnh mới có thể vừa có rừng, có biển, có hạ tầng và thị trường tiêu dùng rộng lớn, từ đó mở ra cơ hội phát triển toàn diện hơn so với đơn vị hành chính nhỏ lẻ trước kia.

PGS.TS Nguyễn Viết Thông nhận định, những kết quả đạt được đến nay mới là bước đầu. Việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế vẫn còn nhiều việc phải làm. Trong đó, nếu chỉ cắt giảm biên chế mà không có chiến lược bổ sung, đào tạo thế hệ kế cận thì sẽ dẫn đến khoảng trống nghiêm trọng về nguồn nhân lực lãnh đạo.

“Một thế hệ cán bộ bị “đứt đoạn” sẽ khiến bộ máy vận hành mất cân bằng, ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng điều hành và hoạch định chính sách. Vì thế, tinh giản là đúng nhưng "tinh tuyển" cũng quan trọng không kém”, ông Nguyễn Viết Thông nói.

Tại Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp từ ngày 18/7 đến ngày 19/7/2025 tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét, cho ý kiến các Báo cáo về kết quả triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII từ tháng 11/2024 đến tháng 7/2025; tình hình đất nước 6 tháng đầu năm 2025; về những công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 11 đến Hội nghị Trung ương 12 và một số nhiệm vụ trọng tâm đến Hội nghị Trung ương 13 khóa XIII; về những diễn biến mới của tình hình thế giới, khu vực từ sau Hội nghị Trung ương 11 và quan điểm, chủ trương của Ta. 

Ban Chấp hành Trung ương kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu quả, hiệu lực của mô hình chính quyền địa phương hai cấp, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tổ chức thành công đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Bài liên quan
Thái Nguyên sắp xếp biên chế để vận hành hiệu quả mô hình chính quyền 2 cấp
VOVLIVE - Tỉnh Thái Nguyên đã bố trí gần 38.000 cán bộ, công chức, viên chức vào các vị trí công tác phù hợp. Hàng trăm cán bộ cấp tỉnh cũng đã được điều động tăng cường cho cấp xã, nhằm bảo đảm cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn và duy trì hoạt động thông suốt của bộ máy hành chính.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Chủ tịch Quốc hội và phu nhân bắt đầu thăm chính thức Vương quốc Maroc
Tối 24/7, (theo giờ địa phương, rạng sáng nay, theo giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga cùng Đoàn đại biểu cấp cao nước ta đã đến Sân bay Salé Rabat, Thủ đô Rabat bắt đầu chuyến thăm chính thức Vương quốc Maroc từ ngày 24-27/7.
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp