
Sáng 8/5, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 4, nhiệm vụ giải pháp tháng 5.
Đủ cơ sở để hình thành Lễ hội Thống nhất vào tháng 4 hàng năm
Báo cáo tình hình tháng 4/2025, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, kinh tế - xã hội Thành phố tháng 4 và 4 tháng đầu năm tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Trong 4 tháng đầu năm, các chỉ tiêu đều đạt tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước đạt gần 129.000 tỷ đồng, tăng gần 38% so với cùng kỳ; Tổng thu du lịch tháng 4 ước đạt gần 20.000 tỷ đồng, tăng 30% so cùng kỳ… Công tác chuẩn bị cho việc sắp xếp tổ chức đơn vị hành chính các cấp và chính quyền địa phương 2 cấp được thực hiện khẩn trương, chủ động, kịp thời.

Các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng “2 con số” trên địa bàn Thành phố được tập trung đẩy mạnh, thực hiện quyết liệt. Các dự án, công trình quan trọng, trọng điểm, công trình giao thông kết nối tiếp tục đẩy nhanh tiến độ.
Đặc biệt, TP.HCM đã tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn và yêu cầu đề ra. Không khí rộn ràng, phấn khởi đến với các tầng lớp nhân dân Thành phố, lan tỏa rộng ra cả nước và cả đồng bào ta ở nước ngoài, bạn bè quốc tế quan tâm.

Thông tin thêm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Nguyễn Minh Nhựt đánh giá, trong các hoạt động hưởng ứng chào mừng 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì điểm nhấn là TP lần đầu tiên bắn pháo hoa ở 30 điểm, người dân phấn khởi.
Từ sự hưởng ứng của người dân, thành công của chuỗi các hoạt động trong những ngày tháng 4 lịch sử vừa qua giúp cho TP có cơ sở thực tiễn để hình thành một Lễ hội Thống nhất vào mỗi dịp 30/4.
"Chúng ta có thể suy nghĩ từng bước để hình thành nên Lễ hội Thống nhất nhân dịp 30/4 hàng năm. Chưa đến mức như là Tết Thống nhất hay là Tết Độc lập vào 2/9 nhưng đã có nhiều dấu hiệu chúng ta hoàn toàn có cơ sở thực tiễn và lý luận để có thể hình thành nên một chuỗi hoạt động là một lễ hội thống nhất hằng năm nhân dịp 30/4; trở thành như một sản phẩm, dịch vụ và du lịch riêng có đầy bản sắc và có tầm vóc công nghiệp văn hóa của thành phố", ông Nguyễn Minh Nhựt nói.
Tại cuộc họp, ông Võ Ngọc Quốc Thuận, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, hiện nay TP.HCM vẫn đang thực hiện đảm bảo tiến độ việc sắp xếp đơn vị hành chính. Theo đó, sau sắp xếp, nhập tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM sẽ có 168 đơn vị hành chính mới (trong đó 113 phường, 54 xã và 1 đặc khu).
Ngoài ra, vừa qua, TP cũng đã thực hiện hợp nhất 3 sở gồm Sở Xây dựng, Quy hoạch – kiến trúc và Sở Giao thông công chánh thành Sở Xây dựng và cuối tuần này sẽ quyết định nhân sự chủ chốt; Triển khai việc đổi tên Sở Tài nguyên – Môi trường đổi tên thành Sở Nông nghiệp – Môi trường...
Sở Nội vụ cũng đang thực hiện đề xuất quy định về “cá thể hóa” trách nhiệm của công chức trong giải quyết thủ tục hành chính và cơ chế miễn trừ trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định liên quan, không tư lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhưng có thiệt hại do rủi ro khách quan.
Kinh tế tư nhân là lực đẩy tăng trưởng
Tại phiên họp, TS. Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đánh giá, tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2025 ghi nhận nhiều chuyển biến quan trọng, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững trong nửa cuối năm và sang năm 2026.
Nổi bật là lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt du lịch, ghi nhận mức tăng đột biến nhờ tổ chức thành công các đại lễ gắn với kích cầu văn hóa, thương mại. Ông Vũ nhận định, nếu tận dụng tốt hình ảnh, xúc tiến, quảng bá và tổ chức các sự kiện tiếp nối, TP có thể duy trì đà tăng dịch vụ trong 6 tháng đến một năm, thay vì chỉ là “cơn sóng ngắn”.
Về công nghiệp và xuất nhập khẩu, dù tháng 4 ghi nhận mức tăng, song đây chỉ là hiệu ứng tạm thời từ kỳ đàm phán 90 ngày, với doanh nghiệp tranh thủ xuất hàng qua Mỹ. Ngược lại, nhập khẩu từ Trung Quốc giảm cùng áp lực tỷ giá từ USD và Nhân dân tệ cho thấy dấu hiệu cấu trúc lại thị trường, đặt ra yêu cầu thích ứng về chính sách thương mại và tiền tệ.
Tháng 4 cũng làm nổi bật hai vấn đề lớn là ngân sách địa phương và môi trường đầu tư. TP.HCM đang khẩn trương chuẩn bị lập quy hoạch mới trong tháng 5, 6 để đón làn sóng đầu tư sau khi HĐND thông qua đề án mở rộng thành phố.

Đáng chú ý, ông Trương Minh Huy Vũ cho rằng Nghị quyết về kinh tế tư nhân cần được cụ thể hóa thành chương trình hành động rõ ràng:
"Thành phố nên đi đầu xây dựng một chương trình hoặc là những sáng kiến mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế tư nhân trong cái bối cảnh mới. Bởi vì kinh tế tư nhân của thành phố mang tính vừa là tính chung cả nước nhưng vừa tính đặc thù rất cao, đặc biệt là trong các mảng dịch vụ và đổi mới sáng tạo. Với đòn bẩy đó thì chúng ta mới có thể là kỳ vọng là tháng 5, 6/2025, đặc biệt là trong quý II có một số chuyển biến nhất định. Và lực đẩy của kinh tế tư nhân là lá chắn rất quan trọng cho tăng trưởng trong bối cảnh tháng 6 mà thuế quan có kết quả đàm phán cuối cùng", TS Trương Minh Huy Vũ cho biết.