Thời gian gần đây, nhiều vụ việc tiêu cực bị phát hiện tại các cơ sở pháp y tâm thần như Viện Pháp y tâm thần Trung ương, Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa hay Trung tâm Pháp y tâm thần miền núi phía Bắc, không chỉ làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong dư luận mà còn bộc lộ lỗ hổng lớn trong quản lý giám định tư pháp, lĩnh vực vốn đòi hỏi tính khách quan và chuẩn mực tuyệt đối.
Theo Bộ Y tế, nguyên nhân sâu xa của tình trạng là một số cán bộ lãnh đạo và nhân viên y tế chưa thực hiện nghiêm các quy định pháp luật và chuyên môn; thiếu bản lĩnh chính trị, dễ bị mua chuộc hoặc bị lôi kéo tiếp tay cho các hành vi sai trái.
Một số người còn trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hành vi vi phạm, khiến hoạt động giám định trở thành công cụ bị lợi dụng để trốn tránh trách nhiệm hình sự.

Trước thực trạng đó, Bộ Y tế vừa ra văn bản yêu cầu toàn bộ các viện, bệnh viện trung ương, cơ sở y tế địa phương khẩn trương chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, siết lại toàn bộ quy trình chuyên môn trong lĩnh vực giám định pháp y, pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh.
Các đơn vị được yêu cầu tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong quản lý nhà nước, không buông lỏng chỉ đạo đối với hoạt động giám định, tăng cường phối hợp với cơ quan tố tụng để đảm bảo kết quả giám định khách quan, minh bạch và đúng pháp luật.
Bộ Y tế cũng nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm túc Nghị định 64 của Chính phủ về thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Các cơ sở không được để người bệnh tự ý rời khỏi nơi điều trị hoặc bỏ trốn, tránh nguy cơ tiếp tục gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Các bệnh viện tâm thần và cơ sở khám chữa bệnh có chuyên môn về tâm thần phải kiểm soát chặt chẽ quy trình cấp giấy khám sức khỏe hoặc bản tóm tắt hồ sơ bệnh án có liên quan đến tình trạng tâm thần. Việc buông lỏng công đoạn này có thể tạo điều kiện cho bị can, bị án lợi dụng để đề nghị giám định tâm thần với mục đích giảm nhẹ hoặc thoát khỏi trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, Bộ Y tế chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 07 và Công văn số 3781 liên quan đến lĩnh vực giám định pháp y, pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh.
Người đứng đầu cơ sở phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra sai phạm tại đơn vị mình quản lý. Việc đảm bảo an toàn, an ninh cho nhân viên y tế cũng được đặt ra như một ưu tiên, đặc biệt trong bối cảnh một số cơ sở từng để xảy ra tình trạng người bệnh manh động, bỏ trốn hoặc gây rối.
Song song với việc siết kỷ cương, Bộ Y tế khuyến khích các đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý và chuyên môn, từng bước hiện đại hóa hệ thống giám định tư pháp.
Cơ sở hạ tầng, thiết bị, phương tiện phục vụ giám định và điều trị bắt buộc cũng cần được đầu tư đồng bộ, phù hợp với xu hướng phát triển của chuyên ngành, đảm bảo đáp ứng đầy đủ yêu cầu nghiệp vụ và pháp lý trong thời gian tới.